0

Một số “mẹo” chụp ảnh đêm trong thành phố

Chụp ảnh đêm qua thực là một thách thức với rất nhiều người. Bài viết sau sẽ giúp bạn có những kiến thức cơ bản nhất để bước đầu làm quen với thể loại này.

Hầu hết những người yêu nhiếp ảnh đều sống hoặc làm việc tại các thành phố lớn. Thành phố về đêm lên đèn thật lung linh, hấp dẫn, nhưng để chụp được những tấm hình phong cảnh đẹp vào quãng thời gian này thật không dễ chút nào. Sự chênh lệch lớn giữa các vùng sáng – tối, hay gặp phải những địa điểm có nhiều nguồn sáng phức tạp làm không ít tay máy phải chùn bước. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn một số mẹo để có được bức ảnh đẹp khi chụp đêm trong thành thị.

Chụp bảng hiệu

Những khu vực sầm uất trong thành phố luôn nổi bật về đêm nhờ hệ thống biển hiệu rực rỡ của các cửa hàng. Đôi khi, một số bảng hiệu lớn còn thể hiện nhiều ý nghĩa, hoặc gắn liền với một sự kiện nổi tiếng nào đó. Bằng mắt thường, bạn dễ thấy chúng rất sáng, rõ, nhưng khi lên hình thì lại tối sầm lại. Đó là do có sự chênh lệch lớn về độ sáng giữa bảng hiệu với môi trường xung quanh làm máy ảnh đo sáng bị sai.

Để khắc phục tình trạng này, chẳng còn cách nào khác là phải học một số kiến thức về các cách thức làm việc của hệ thống đo sáng trên máy ảnh. Nhưng để đơn giản hóa, và dễ áp dụng nhất, bạn chỉ cần thiết lập chế độ đo sáng theo điểm (spot metering), sau đó chọn điểm khóa sáng ở vùng có tông màu trung tính, không quá sáng cũng không quá tối (như hàng chữ màu đỏ LAS VEGAS trong tấm hình dưới). Ngoài ra, nếu có thể hãy sử dụng tripod để tránh bị rung và tắt Flash để không bị cháy sáng khi đang đứng gần chủ thể.

Chụp phong cảnh

Bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, bạn phải tìm được một vị trí đứng vừa thuận lợi, an toàn cho việc chụp hình, vừa có thể bao quát được toàn bộ cảnh quan của khu vực muốn chụp. Đặt máy ảnh lên tripod hoặc một điểm tựa vững chắc như bờ tường, lan can, sau đó thiết lập máy về chế độ AV (aperture priority – ưu tiên khẩu độ). Như hướng dẫn ở các bài viết lần trước, khi chụp ảnh phong cảnh, độ chi tiết, và độ sâu trường ảnh phải đặt lên hàng đầu. Vì thế, cố gắng khép khẩu ở ngưỡng f/8 cho tới f/16 (hoặc bé hơn nếu có thể). Sau đó, bạn cài chế độ chụp hẹn giờ cho máy (self-timer) hoặc dùng cáp điều khiển để chụp. Sở dĩ phải thực hiện thao tác này là vì chỉ cần một rung động nhỏ khi nhấn nút chụp cũng có thể khiến ảnh bị nhòe khi đang ở khẩu độ nhỏ như vậy. Và cuối cùng, hãy nhớ khung giờ vàng để chụp phong cảnh là vào giờ đầu tiên sau khi mặt trời mọc (bình minh) và một giờ trước khi mặt trời lặn (hoàng hôn).

Chụp cầu

Đây cũng là một trong những thể loại rất được ưa chuộng của những cư dân thành thị. Thật khó cưỡng lại vẻ đẹp sững sờ của những cây cầu hùng dũng vươn nhịp qua sông khi thành phố lên đèn. Các bước chụp cũng tương tự như trên. Đầu tiên, bạn phải tìm một vị trí đẹp để chụp và dễ dàng cho việc đặt tripod. Cố gắng tìm những nơi có thể bao quát được cả mặt nước, cầu, và những ngôi nhà ở bên kia bờ sông. Chúng ta sẽ sử dụng nhà cửa làm hậu cảnh và sông nước làm tiền cảnh cho chủ thể chính là cây cầu.

Sau đó, thiết lập chế độ chụp AV, khép khẩu ở mức f/16 hoặc nhỏ hơn. Để có hiệu ứng ánh sáng và dòng nước đẹp mắt nhất, hãy đặt thời gian phơi sáng lâu một chút, tùy vào hoàn cảnh cụ thể, thường là 1-30s. Nếu bạn thích màu sắc ấm áp, không quá rực vì phơi sáng lâu thì nên đặt WB ở preset Daylight.

Chụp chân dung đường phố

Thể loại này đã quá quen thuộc với chúng ta, và cũng rất nhiều người từng chụp chân dung dưới ánh đèn đường. Tuy vậy, chụp thế nào cho đẹp thì không phải ai cũng biết. Trước tiên, chủ thể chính là người được chụp sẽ đứng ở vị trí tiền cảnh, hậu cảnh thì tùy bạn sáng tạo. Một số gợi ý cho bạn là nên chọn những background ấn tượng như một dòng xe đang băng qua, hoặc một dãy nhà/ đèn đường thẳng tắp.

Riêng trong điều kiện này, Flash được khuyến khích sử dụng, nó không chỉ khiến cho bức ảnh đủ sáng, mà còn giúp tạo điểm nhấn cho người được chụp. Nhớ nhắc “người mẫu” của bạn đứng yên vì sẽ có một khoảnh khắc delay từ khi ấn núp chụp cho tới khi ánh đèn flash nhá lên. Trái với chụp phong cảnh, khi chụp chân dung hãy mở to khẩu độ nhất có thể để bức ảnh được sáng, và có DOF nông để xóa mờ hậu cảnh – tạo thêm điểm nhấn cho chủ thể. Để có độ cơ động cao cho nhiều tư thế đẹp, cố gắng đừng dùng tripod nếu có thể, ISO thì nên đặt ở mức 400 trở lên.

Chụp các công trình kiến trúc

Mỗi thành phố đều có những công trình công cộng rất nổi tiếng, làm biểu tượng cho mình. Chúng rất đa dạng về kiến trúc, có thể là tượng đài, nhà hát, bảo tàng,… nhưng tất cả đều có một điểm chung là sẽ rất rực rỡ khi màn đêm buông xuống. Chụp ảnh vào lúc này sẽ mang đến một góc nhìn hoàn toàn khác so với ban ngày. Để chụp được những bức hình đẹp, bạn hãy trang bị cho mình một ống kính góc rộng và một chiếc tripod. Đưa máy về chế độ AV, và đặt khẩu độ ở f/16 trở lên, máy sẽ tự động tính toán thời gian đóng màn trập hợp lý. Nếu bạn định phơi sáng thì hãy nhớ đặt mức ISO thấp nhất có thể, thường là 100.

Chụp đường phố

Điểm hấp dẫn của thể loại này là bạn có thể làm “đông cứng” chuyển động của dòng xe cộ thành những vệt sáng ảo diệu. Để làm được điều này, nhất thiết bạn phải sử dụng kỹ thuật phơi sáng, có nghĩa là cần một tripod. Đặt máy ngay ngắn, khung hình cân đối, không bị nghiêng ngả, và đặt máy về chế độ M (Manual, chứ không phải AV). Tiếp đó, đặt khẩu ở mức f/11-f/32 để có độ sâu trường ảnh lớn, ISO ở mức 100 để hạn chế tình trạng nhiễu sạn. Thời gian đóng màn trập với đa số trường hợp là 6s, thời gian này vừa đủ để ảnh không bị quá sáng, mà vẫn ghi lại được các vệt sáng đẹp mắt.

Các thiết lập khuyên dùng

Chụp ảnh đêm là một thử thách khó nhằn với đa số người chơi nhiếp ảnh nếu như không có đủ các món đồ chơi cần thiết. Điều quan trọng nhất mà bạn luôn phải nhớ trong tình huống không có tripod là giữ chắc thân máy. Sau đó mở khẩu độ to để có nhiều sáng vào cảm biến, đặt ISO cao, và mở Flash để ảnh không bị rung, nhòe. Còn nếu có tripod thì mọi việc đơn giản hơn nhiều, chỉ cần đặt AV và ISO như các hướng dẫn bên trên và máy sẽ làm nốt những việc còn lại.

Các thiết bị khuyên dùng

Đó là ống kính góc rộng để chụp phong cảnh, và có độ mở khẩu lớn. Tripod để giúp máy không bị rung khi chụp, cố gắng chỉ dùng flash trong một số trường hợp bắt buộc, hoặc khi chụp chân dung. Sử dụng cáp điều khiển để chụp mà không cần chạm vào thân máy. Cuối cùng, nếu có điều kiện bạn nên trang bị một vài kính lọc để tạo hiệu ứng đẹp, và ảo hơn, ví dụ như kính lọc có hình những ngôi sao nhỏ chẳng hạn.

Theo exposureguide

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận