-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đánh giá chi tiết ống kính siêu kit SEL 24-105mm F/4 G OSS
Thiên Bảo12/12/2020
Đánh giá chi tiết ống kính siêu kit SEL 24-105mm F/4 G OSS
Tính đến thời điểm hiện tại, người dùng máy ảnh Sony Mirrorless đã có thể thoải mái hơn trong việc lựa chọn ống kính, tuy nhiên việc tìm một ống kính zoom đa dụng, cân bằng giữa độ tiện dụng và chất lượng vẫn là một yêu cầu khá khó khăn. Khi nhắc đến điều nay, chắc hẳn nhiều người sẽ phản đối và đưa ra “vị vua” Sony FE 24-70mm f/2.8 GM, nhưng cái giá cần bỏ ra để sở hữu ống kính này là việc vượt ngoài khả năng của đại đa số người chơi máy. Ống kính FE 24-70mm F/4 OSS cũng là một sự lựa chọn tốt, tuy nhiên chỉ là trên … lý thuyết. Tất nhiên không thể bỏ qua ống kính Sony FE 28-70mm f/3.5-5.6 OSS, khá ổn – với giá trị của nó.
Vì vậy, sự ra đời của ống kính Sony FE 24-105mm f/4 G OSS như một lẽ đương nhiên nhằm lấp đầy cái khoảng trống của một sản phẩm có dải zoom tiêu chuẩn và giá thành phải chăng. Được xếp vào dòng G danh tiếng, ống kính được phân loại ở cấp độ “bán chuyên nghiệp” – chỉ đứng sau dòng ống kính GM tem đỏ. So với FE 24-70mm f/2.8 GM, ống kính này hơn cả về độ zoom xa lẫn “khẩu độ”. Đối với nhiều người dùng, đây có lẽ là một ống kính chuẩn với mức giá ngọt ngào – khoảng 1300$ – hợp lý nhất so với các ống kính cùng phân khúc.
Về chất lượng build ống kính, chắc chắn không thể so sánh được với dòng GM, nhưng FE 24-105mm f/4 vẫn đủ sức để đạt tiêu chuẩn phục vụ cho nhu cầu chuyên nghiệp. Vật liệu vỏ được sử dụng cho ống kính này là sự kết hợp giữa plastic cao cấp và ngàm kim loại chắc chắn. Tương tự với các ống kính cùng loại, Sony FE 24-105mm f/4 G OSS cũng thay đổi chiều dài khi zoom ra/vào, tuy nhiên hoàn toàn không có bất kỳ hiện tượng rung lắc, “lọc xọc” giữa các phần thân ống. Thiết kế chống bụi, ẩm giúp ống kính bền vững hơn trong các buổi chụp ngoài trời. Ngoài ra, trang bị loa che nắng là một tiêu chuẩn đi kèm cùng ống kính, giúp hạn chế hiện tượng flare, đồng thời cũng có tác dụng bảo vệ mặt kính khỏi va đập.
Hệ thống lấy nét của ống kính Sony SEL24105F4 hoạt động trơn tru, êm ái và chính xác nhờ vào motor AF Direct Drive SSM (DDSSM). Chế độ lấy nét tay manual focus của ống kính dựa vào cơ chế ” focus by-wire”. Có thể khá nhiều người dùng không thích cơ chế lấy nét bằng mạch điện này, tuy nhiên đây không phải là vấn đề lớn và chỉ cần chút thời gian để làm quen. Trên thân ống kính được trang bị nút Focus Hold tiện lợi, và bạn hoàn toàn có thể tùy chỉnh chức năng của nút này nếu đang sử dụng các thân máy đời mới (Sony A9, A7RIII, A7III,…). Công nghệ chống rung quang học OSS là một tính năng tiêu chuẩn cho ống kính zoom của Sony. Hiện tại chưa có bất kỳ tài liệu chính thức nào công bố về hiệu quả của công nghệ này, tuy nhiên theo đánh giá thực tế, trang bị này có thể giúp chống rung lên tới 3 f-stop.
Thông số kỹ thuật | |
---|---|
Cấu trúc quang học | 17 thành phần / 14 nhóm, bao gồm 3x thấu kính ED, 4x thấu kính phi cầu |
Số lá khẩu | 9 (tròn) |
Khoảng lấy nét gần nhất | 0.38m (1:3.2) |
Kích thước | 83.4 x 113.3mm |
Trọng lượng | 663g |
Đường kính filter | 77 mm |
Hood – Loa che nắng | Có |
Tính năng khác | Nút Focus-hold button, chống bụi ẩm, lớp tráng phủ Nano AR |
Độ méo hình – Distortion
Khả năng khử méo hình không phải là điểm mạnh của ống kính SEL24105F4, chính vì vậy mà Sony quyết định không cho người dùng tắt đi tính năng chỉnh méo – Distortion Auto-Correction trong menu máy. Chính vì vậy, bạn cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này. Tại tiêu cự rộng nhất 24mm, hiện tượng méo thùng (barrel distortion) xuất hiện nhẹ, tương tự tại tiêu cự tầm trung sẽ xảy ra một chút biến dạng móp (pincushion distortion).
Độ méo hình tại 24mm, bật Distortion Auto-Correction
Độ méo hình tại 105mm, bật Distortion Auto-Correction
Tuy vậy khi ở định dạng ảnh RAW, những điều tốt đẹp trên không còn xuất hiện nữa. Méo thùng ở mức khá nặng ~4.6% tại tiêu cự 24mm, và biến dạng móp cũng không kém với chỉ số 3+% ở những tiêu cự dài hơn. Đây chính là một điểm trừ của ống kính nếu như không có các phần mềm tự động chỉnh biến dạng.
Độ méo hình tại 24mm, ảnh RAW
Độ méo hình tại 105mm, ảnh RAW
Độ tối góc – Vignetting
Tương tự như độ méo hình, chế độ tự động sửa lỗi quang sai của Sony đã làm rất tốt công việc của mình. Hiện tượng tối góc nhẹ xuất hiện ở tiêu cự 24mm và 40mm F/4, nhưng đây không phải là một vấn đề cần quá quan tâm.
Nhưng nếu bạn tắt đi những tính năng tự động chỉnh sửa này, mọi thứ sẽ hoàn toàn khác biệt – đặc biệt là tại tiêu cự 24mm. Hiện tượng tối góc xuất hiện rõ rệt, nguyên nhân có thể do thấu kính trước được thiết kế quá bé để đảm bảo tính cơ động cho ống kính.
Ví dụ cụ thể cho hiện tượng tối góc tại 24mm F/4:
Biểu đồ MTF (độ phân giải)
Trong thử nghiệm đánh giá độ phân giải của ống kính Sony FE 24-105mm f/4 G, kết quả thu được là khá tốt (thử nghiệm trên một cảm biến 42mp).Ở tiêu cự 24mm, khu vực trung tâm được đánh giá sắc nét (trong điều kiện nhiễu xạ thông thường) độ nét rìa tuy không ở mức tuyệt vời, nhưng vẫn rất tốt ngay cả ở khẩu độ f/4. Tại các mức tiêu cự 40mm, 70mm, 105mm, chúng ta thu được kết quả tốt ở bắt đầu ở khẩu độ F/5.6.
Hiện tượng Quang sai – Chromatic Aberrations
Kết quả thử nghiệm Quang sai cho thấy SEL24105F4 là một ống kính tốt trong phân khúc ống kính đa dụng. Có thể dễ dàng nhận thấy hiện tượng này nhất tại 24mm F/4, giảm dần tại các tiêu cự trung bình và tăng nhẹ tại tiêu cự 105mm.
Bokeh
Đương nhiên một ống kính 24-105mm F/4 không phải là một bậc thầy khi nhắc đến thể loại ảnh xóa phông. Tuy nhiên tại tiêu cự dài hơn, bạn vẫn có thể đạt được tới một số hiệu quả nhất định.
Hình ảnh Sample (Click vào hình để xem ảnh gốc)
Sony A7RM2 + SEL24105F4 @105mm 1/200s F/6.3 ISO200
Sony A7RM2 + SEL24105F4 @24mm 1/320s F/10 ISO200
Sony A7RM2 + SEL24105F4 @26mm 1/250s F/10 ISO200
Sony A7RM2 + SEL24105F4 @105mm 1/320s F/4 ISO200
Sony A7RM2 + SEL24105F4 @24mm 1/60s F/8 ISO1250
So sánh với ống kính cùng phân khúc
Như chúng tôi đã đề cập ở đầu bài viết, ống kính Sony FE 24-105mm f/4 G OSS nằm cùng phân khúc với 2 ống kính Sony FE 24-70mm f/2.8 GM và Zeiss FE 24-70mm f/4 OSS. Về mặt thông số có vẻ như gương mặt mới này sẽ thua Zeiss, nhưng thực tế đã chỉ ra Sony FE 24-105mm f/4 là ống kính tốt hơn. Sony FE 24-70mm f/2.8 GM là lựa chọn cao cấp nhất, nhưng đồng thời cũng là ống kính to nhất và đắt tiền nhất. Chính vì vậy, Sony FE 24-105mm f/4 G OSS là sự lựa chọn hoàn hảo nhất trong 3 ống kính này.
Kết luận
Nhìn chung, ống kính Sony FE 24-105mm f / 4 G OSS là sự lựa chọn hiển nhiên trong những ống kính cùng loại. Nó có thể không thể chưa đạt tới chất lượng tại tâm ảnh như của Sony FE 24-70mm f / 2.8 GM, nhưng chất lượng tại rìa ảnh là đáng ngạc nhiên đối với ống kính như vậy. Hiện tượng quang sai khá. đạt mức phía bên trung bình. Chất lượng của bokeh là khá tốt cho một ống kính với thông số như vậy. Sự méo hình ảnh và tối góc thường được quan tâm khi ảnh đã được hậu kỳ và là thành phẩm cuối cùng, do đó với quan điểm của người dùng – chúng tôi có rất ít phàn nàn về điều này. Tuy nhiên đây cũng là một điểm trừ bởi ống kính này sẽ không phải là lựa chọn tốt – nếu như không có các chế độ Auto Correction.
Chất lượng vỏ ống kính được đánh giá tốt với việc sử dụng vật liệu chất lượng cao và dung sai thấp trong chế tạo. Trang bị chống bụi, ẩm giúp người dùng yên tâm hơn khi sử dụng ống kính ngoài trời. Hiệu năng AF có thể vẫn chưa được tốt như một số ống kính DSLR nhưng đáp ứng được phần lớn các yêu cầu của người dùng.
Cũng giống như đa phần ống kính FE, SEL24105 không phải là một ống kính nhỏ nhẹ. Kích thước và trọng lượng của nó có thể được đặt cùng với phân khúc DSLR. So sánh với thân máy Sony Mirrorless nhỏ gọn, đây thực sự là một ống kính lớn.
Tuy rằng Sony FE 24-105mm f / 4 G OSS chưa hẳn là một ống kính hoàn hảo, tuy nhiên đây vẫn là một ống kính tốt so với các đối thủ như Canon EF 24-105mm f/4 USM L IS II và Nikkor AF-S 24-120mm f/4G VR. Đây là một ống kính đáng để chọn với những người chơi máy ảnh Sony.
Nguồn: www.opticallimits.com