0

Olympus trở lại – Nhiều kỳ vọng

 Giá trị của thương hiệu Nhật

Nhà sản xuất máy ảnh Olympus Corporation mới đây đã thông báo ngừng hoạt động sản xuất tại Thâm Quyến (Trung Quốc) sau 27 năm thành lập trụ sở ở đây, đồng thời chuyển toàn bộ hoạt động này về nhà máy tại Đồng Nai (Việt Nam). Sự hiện diện được cho là “chính thức” của Olympus tại Việt Nam nhận được sự kỳ vọng lớn dù rằng trước đó hãng máy ảnh đến từ Nhật Bản chưa tạo được cuộc cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn như Nikon, Canon hay Sony trên thị trường. 

Nhà sản xuất đầy tự tin

Như thông báo từ phía Olympus Corporation hồi đầu tháng 5-2018, toàn bộ hoạt động kinh doanh, sản xuất máy ảnh kỹ thuật số của hãng sẽ được thực hiện tại nhà máy ở Đồng Nai của Việt Nam, để nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận cũng như “khả năng cạnh tranh toàn cầu”. Cần biết rằng, Olympus đã từng là nhà sản xuất máy ảnh kỹ thuật số lớn nhất thế giới vào năm 2001, doanh thu cao nhất vào năm 2008 là 10,8 tỷ USD. Song từ năm 2011, tình hình kinh doanh nhanh chóng sụt giảm và đối mặt với scandal lớn chưa từng có khi bị tố cáo hối lộ quan chức để lấp liếm sai phạm cách đây 2 năm. Cho nên, sự dịch chuyển này được cho là nằm trong lộ trình cơ cấu lại, giảm dàn trãi và tiết giảm chi phí nhân công (giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc).

Ở Việt Nam, Olympus đặt trụ sở từ những năm 2007-2008, chuyên sản xuất những những sản phẩm hỗ trợ cho máy ảnh và sản phẩm y tế. Với máy ảnh, Olympus ở thị trường Việt Nam được đánh giá khá hời hợt khi giới thiệu rất ít mẫu và thường khá trễ so với thị trường nước ngoài. Máy ảnh Olympus trên thị trường đa phần là hàng xách tay hoặc máy đã qua sử dụng.

Đầu năm 2016, Olympus bất ngờ tổ chức sự kiện thông báo trở lại thị trường Việt Nam. Cùng với sự kiện, Olympus giới thiệu 2 mẫu máy ảnh chuyên nghiệp OMD E-M1 và bán chuyên OMD E-M5. Lúc đó, ông Marc Radatt, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Olympus tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng: “Thứ nhất, chúng tôi tự tin với chất lượng sản phẩm của mình với gần 100 năm kinh nghiệm sản xuất quang học và nắm trong tay những công nghệ nhiếp ảnh mới cho tương lai. Thứ hai thị trường Việt nam luôn được đánh giá là tiềm năng với các hãng máy ảnh với dân số trẻ trên 90 triệu người và mức sống đang được cải thiện cùng với niềm yêu thích nhiếp ảnh. Bên cạnh đó việc xây dựng nhà máy tại Đồng Nai cũng là lý do quan trọng khiến chúng tôi tự tin quay trở lại”.

Ý thức được thách thức khi trở lại Việt Nam đó là việc phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, cũng như cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm cùng phân khúc đến từ Sony hay Panasonic, Olympus đẩy mạnh hợp tác Công ty TNHH Max Marketing để phân phối chính thức các dòng máy ảnh của hãng, đồng thời phát triển các đại lý bán lẻ (gần nhất là LP Camera Store) để đưa sản phẩm đến gần người dùng. Cùng với việc ra mắt mẫu máy mới nhất - PEN E-PL9, các sự kiện offline giới thiệu tính năng của Olympus do các đại lý tổ chức cũng thu hút một lượng fan nhất định. Tiêu biểu như Chương trình trải nghiệm "Sắc Màu Cuộc Sống - Sắc Màu Olympus" mới đây của LP Camera Store.

Olympus trên thị trường ra sao?

Theo bảng xếp hạng về thị phần của các hãng trong dòng máy ảnh không gương lật (mirrorless) tại Nhật Bản của BCN Awards 2018 (https://www.bcnaward.jp/award/gallery/detail/contents_type=251&date=2018), Olympus dẫn đầu với thị phần chiếm 27,7%, tiếp đó là Canon với 21,3% và Sony với 20,2%. Như vậy, nếu tính từ 2016 đến nay, Olympus đã 3 năm liền dẫn đầu thị phần dòng mirrorless tại thị trường khó tính bậc nhất này. Đặc biệt là năm 2016, với mức tăng trưởng 12% về thị phần, Olympus đã giành lại vị trí số 1 từ tay Sony. Điều đó khiến Olympus vừa tự hào vừa tự tin với dòng sản phẩm máy ảnh mirrorless của hãng.

Cũng nói thêm, thị trường Nhật Bản và châu Âu là các thị trường có mức thu nhập và chi tiêu cao hơn nhiều so với các nước khu vực Đông Nam Á. Đồng thời tại các thị trường này, do thói quen sinh hoạt tập trung vào tính hiệu quả và tối ưu hiệu năng nên các sản phẩm mirrorless từ lâu đã chiếm lĩnh được thị phần tương đối so với DSLR. Trong khi, tại các nước đang phát triển như tại khu vực Đông Nam Á, thị phần DSLR vẫn đang chiếm ưu thế do ngoại hình lớn nên dễ tạo lòng tin với người không chuyên do suy nghĩ máy ảnh càng lớn là càng chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thị trường mirrorless tại Việt Nam cũng đang ấm dần lên do các hãng đã dành nhiều năm để thuyết phục người dùng về tính năng không thua kém DSLR, độ tiện dụng vượt trội hơn với thiết kế nhỏ gọn và linh hoạt. Một lợi thế của Olympus chính là thói quen sử dụng và độ tin tưởng của người Việt dành cho các sản phẩm đến từ “đất nước mặt trời mọc”. Do vậy, Olympus đã đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường đang phát triển như Việt Nam trong vài năm tới.

Ghi nhận cho thấy, trong năm 2017 vừa qua, trên thị trường Việt, máy DSLR truyền thống với đại diện là Canon, Nikon đang đối mặt nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với máy ảnh mirrorless mà đại diện là những cái tên như Sony, Fujifilm và Olympus. Theo một số cửa hàng máy ảnh lớn ở Hà Nội và TPHCM, doanh số máy ảnh mirrorless hiện chiếm 60% - 70% thị phần thị trường máy ảnh.

Trong thần thoại Hy Lạp, đỉnh núi Olympus là nhà của 12 vị thần tối thượng. Olympus được đặt tên theo ngọn núi này để phản ánh khát vọng mạnh mẽ của mình với mong muốn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nổi tiếng thế giới. Từ thời Takachiho Seisakusho, tiền thân của Tập đoàn Olympus, người ta nói rằng có 8 triệu vị thần và nữ thần sống trên đỉnh núi Takachiho, Takamagahara. Cái tên "Olympus" đã được chọn làm nhãn hiệu vì Olympus, giống như đỉnh núi Takachiho, là quê hương của các vị thần và nữ thần. Thương hiệu này cũng được thấm nhuần với khát khao của Olympus để chiếu sáng thế giới bằng các thiết bị quang học của mình, giống như Takamagahara mang ánh sáng đến với thế giới.

Trong những năm gần đây, Tập đoàn Olympus đã tập trung vào "Công nghệ kỹ thuật số Opto" như năng lực cốt lõi, thế mạnh công nghệ mà các đối thủ không thể sao chép, để tối đa hóa giá trị doanh nghiệp và trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị quang học hàng đầu.

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận