0

9 ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA FUJIFILM X-A7 VÀ X-A5

X-A là dòng máy cơ bản trong hệ sinh thái Fujifilm ngàm X. Với thiết kế tối giản, sang trọng và giao diện trực quan, X-A thu hút phần lớn người mới chụp và các nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Thật không may, dòng máy này từ lâu đã phải chịu thiệt thòi với khả năng quay video chất lượng thấp và tốc độ bắt nét chậm.


X-A7 có lẽ là chiếc máy đầu tiên đưa dòng X-A lên một tầm cao mới. Khả năng quay phim (cuối cùng thì) đã đáp ứng được những tiêu chí tối thiểu của năm 2019 và tốc độ lấy nét trên lý thuyết đã được cải thiện một cách đáng kể.


NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIỮA X-A7 VÀ X-A5

  • 11 chế độ giả lập màu film
  • Tốc độ chụp liên tiếp 6fps
  • Tốc độ màn trập lên đến 1/32000 giây (với màn trập điện tử)
  • Flash cóc được tích hợp trên thân máy
  • Sử dụng pin NP-W126S: trên 400 tấm ảnh / lần sạc
  • Có 1 khe gắn thẻ nhớ (chấp nhận thẻ SD UHS-I)


NHỮNG ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA X-A7 VÀ X-A5


I/ CẢM BIẾN HOÀN TOÀN MỚI


Cả hai chiếc máy X-A5 và X-A7 đều sử dụng cảm biến kích thước APS-C 24.2MP nhưng phiên bản trên chiếc máy số 7 lại được cải tiến vượt trội hơn: nhiều điểm lấy nét theo pha được thêm vào, mạch điện nhôm được thay bằng đồng để tăng tốc độ vận hành và khử nhiễu, giúp cảm biến mỏng hơn và nhận ánh sáng hiệu quả hơn.


ISO trên cả hai chiếc máy trải dài từ 200 đến 12800, mở rộng lên đến 51200. Ở chế độ mở rộng thì X-A5 chỉ cho ra ảnh JPEG trong khi X-A7 vẫn ghi được ảnh RAW.



II/ LẤY NÉT TỰ ĐỘNG


X-A5 và X-A7 sử dụng hệ thống lấy nét lai (tương phản và theo pha). X-A5 có 91 điểm lấy nét theo pha trong khi số điểm đó trên máy X-A7 là 117 (có thể tách ra thành 425 điểm như trên dòng X-T3 cao cấp). Có nhiều điểm lấy nét hơn nghĩa là độ chính xác cao hơn và độ phủ trên bề mặt cảm biến cũng cao hơn.


Ngoài ra, hãng Fujifilm cũng tích hợp công nghệ bắt nét khuôn mặt và tròng mắt tiên tiến nhất của mình trên đời máy X-A7. Khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng cũng được cải thiện.


Năm ngoái, dòng máy X-A5 ra đời nhưng gây nhiều sự thất vọng vì hoạt động không thật sự “mượt mà”. Với khả năng lấy nét và thuật toán được nâng cấp, hi vọng rằng X-A7 sẽ chinh phục người chụp đam mê cảm biến X-Trans.


III/ QUAY VIDEO 4K


X-A5 được Fujifilm “ban” cho khả năng quay video 4K nhưng với frame rate 15fps đáng thất vọng; chất lượng quay thì cũng không đến nỗi nào nhưng cũng không gây được ấn tượng tốt, và thời lượng tối đa chỉ đạt 5 phút.


Fujifilm đã nhận ra được yếu điểm đó và nâng cấp tính năng này trên X-A7 với frame rate 30fps, tận dụng toàn bộ cảm biến để ghi hình, và thời lượng tối đa đã được kéo dài lên đến 15 phút. Ngoài ra, tốc độ nhận-xuất hình của cảm biến mới cũng hỗ trợ loại bỏ lỗi rolling shutter.


X-A7 cũng được tích hợp tính năng đếm ngược (15, 30, 60 giây) để người dùng quay video ngắn phục vụ mục đích đăng tải lên mạng xã hội.


Cả hai máy đều có thể quay phim định dạng Full HD 60fps, slow motion 4x ở định dạng HD, và trên X-A7 còn có tỉ lệ khung hình 1:1.


IV/ MICROPHONE VÀ CỔNG USB


X-A7 sẽ là một chiếc máy quay video hiệu quả hơn với cổng microphone input. Mặc dù cổng này chỉ nhận microphone 2.5mm nhưng có vẫn hơn không.


Một điểm khác biệt lớn giữa hai đời máy 5 và 7 là cổng USB. Ở máy X-A7 chúng ta có thể thấy cổng USB Type-C, một nâng cấp quá tốt so với USB 2.0 trên X-A5. Nhưng đừng vội mừng, dù là Type-C nhưng tốc độ chỉ bằng 2.0 thôi nhé.


V/ CƠ CHẾ MÀN HÌNH


Fujifilm đầu tư vô số lần thử nghiệm màn hình xoay/lật. Và đối với chiếc máy X-A7 thì họ quyết định sử dụng loại màn hình xoay 180˚, một cải thiện nho nhỏ so với màn hình lật lên/xuống ở X-A5.


Màn hình của X-A7 cũng to hơn đáng kể với độ rộng 3.5inch và độ phân giải 2.7 triệu dots. Màn hình này có tỉ lệ 16:9 cực kỳ thích hợp cho quay video nhưng khi chụp ảnh tĩnh thì lại không tận dụng hết với tỉ lệ 3:2 truyền thống của cảm biến APS-C.


Cả hai máy X-A7 và X-A5 đều có màn hình cảm ứng, nhưng với X-A7 thì khả năng cảm ứng được nâng cao với các tùy chọn thông minh mới được thêm vào.



VI/ TÙY CHỌN THÔNG MINH


Màn hình cảm ứng trên X-A7 sử dụng giao diện GIU giúp người dùng vừa chọn chế độ giả lập màu film vừa xem trước được kết quả màu chụp. Mọi tùy chỉnh đều có thể thực hiện được trên màn hình cảm ứng; quả thật đây là máy ảnh cho người mới dấn thân vào ngành ảnh.


VII/ BRIGHT MODE


Fujifilm gán cho X-A7 một tính năng đặc biệt khác đó chính là Bright Mode: người dùng có thể truy cập đến tính năng này thông qua chế độ Advanced SR Auto và chụp được ảnh tương tự như ảnh HDR.


VIII/ LIGHT TRAIL MODE


Chế độ Light Trail là một tính năng vừa được thêm vào dòng máy X-A7 mới nhất này. Người dùng có thể chụp Light Trail và xem kết quả trực tiếp trong quá trình bấm máy.


IX/ THIẾT KẾ MÁY


Thiết kế của dòng máy X-A7 có nhiều điểm khác biệt so với X-A5.


Nếu xét về kích thước thì hai chiếc máy này gần như tương tự nhau nhưng X-A7 trên thực tế còn nhẹ hơn X-A5 nữa.


Ở mặt trên, X-A7 có một nút bật/tắt riêng biệt. Cần gạt bật/tắt bao quanh nút shutter trên X-A5 đã được thay thế bằng một bánh xe tinh chỉnh hỗ trợ hiệu quả trong việc điều chỉnh thông số ánh sáng. Bánh xe đặt sau cũng có một nút tùy chọn cho người dùng thoải mái tùy biến.


Ở mặt sau, không khó để nhận ra màn hình chiếm gần như toàn bộ diện tích, vì vậy mà các phím bấm được sắp xếp lại. D-pad 4 hướng cũng được thay thế bằng joystick.


Màu sơn của X-A5 bao gồm: bạc, nâu, hồng trong khi X-A7 thì có nhiều sự lựa chọn hơn: bạc, bạc xám, xanh bạc hà, nâu lạc đà.


KẾT LUẬN


Fujifilm X-A7 là một chiếc máy phổ thông đáng cân nhắc bởi thiết kế đẹp mắt, màn hình cảm ứng rộng và giao diện gần gũi. Khả năng quay phim 4K và tốc độ lấy nét cũng là những ưu điểm không thể bỏ qua.


X-A5 là chiếc máy có giá thành rẻ hơn, và sẽ còn giảm mạnh hơn trước khi hãng ngưng sản xuất hoàn toàn dòng máy này. Nếu bạn tìm một chiếc máy phổ thông giá rẻ thì không cần phải lăn tăn mà mua ngay X-A5. Còn nếu tài chính không phải là vấn đề thì X-A7 đương nhiên sẽ là một sự lựa chọn ưu tú hơn.