0

PANASONIC LEICA 12-60MM F/2.8-4.0 vs. OLYMPUS M.ZUIKO 12-40MM F/2.8

Sau một thời gian làm nghề thì chắc hẳn mọi nhiếp ảnh gia đều mong muốn sắm sửa thêm một chiếc ống kính đa tiêu cự; lý do rõ ràng nhất chính là sự đa dụng của nó. Người dùng có thể chụp một loạt các thể loại từ phong cảnh, chân dung đến sự kiện và ảnh gia đình chỉ với một ống kính. Sự thật là khi chúng ta nhìn lại kho súng ống thì chiếc lens ít đóng bụi nhất chính là chiếc lens zoom.


Tính đến thời điểm hiện tại thì chúng ta đã thấy sự xuất hiện của 4 ống kính zoom có tiêu cự “tầm trung” đến từ 2 ông lớn của hệ thống Micro Four Thirds; trong đó Olympus chỉ cho ra đời duy nhất 1 ống kính M.Zuiko 12-40mm f/2.8 còn Panasonic thì đã giới thiệu đến bạn bè gần xa 2 thế hệ Panasonic 12-35mm f/2.8 và một ống kính mang 2 dòng máu Đức Nhật: Panasonic-Leica 12-60 f/2.8~4.0.


Bài viết sau đây sẽ mang lại một sự so sánh chi tiết giữa người ống kính M.Zuiko 12-40mm f/2.8 và người em kém nó 3 tuổi: Panasonic Leica 12-60mm f/2.8-4.0.


Thiết kế và sự dễ dàng khi sử dụng


Cả hai ống kính đều được liệt vào hàng zoom quãng trung chuyên nghiệp. Cũng vì vậy mà chất liệu thiết kế là tuyệt đối tốt.


Hai chiếc lens này đều được bọc bởi một lớp giáp kim loại chống bụi bẩn, chống nước, và chống đóng băng với nhiệt độ môi trường xuống tới -10℃. Dẫy vậy thì hai ống kính này vẫn đủ gọn nhẹ, phù hợp với tất cả các body PRO của cả Panasonic và Olympus. Nếu gắn hai ống kính này trên các thân máy nhỏ hơn thì vẫn rất ổn, nhưng nên lưu ý rằng đôi khi đường kính lớn của chúng sẽ gây khó khăn trong việc gắn body lên tripod.

Khi zoom out về tiêu cự nhỏ nhất thì độ dài của hai ống kính ngang ngửa nhau, còn khi zoom in thì do có tiêu cự lớn nhất là 60mm (so với 40mm của Olympus) nên ống kính Panasonic Leica sẽ dài hơn một chút. Về trọng lượng thì người đàn anh đến từ Olympus nặng hơn 60 gram. Tuy nhiên khi sử dụng cả hai lens để tác nghiệp thì 60 gram khác biệt này không thật sự tạo ra sự khác biệt.


Chiếc lens zoom 12-40mm của Olympus sở hữu khẩu độ f/2.8 toàn dãy trong khi khẩu độ của ống Pana-Leica 12-60mm sẽ khép dần khi chúng ta zoom in: f/3.5 cho 25mm và f/4.0 cho 60mm. Điều này đồng nghĩa với việc là ống kính zoom quãng trung của Olympus sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường ánh sáng yếu và chụp xóa phông tốt hơn khi zoom tới tiêu cự lớn.

Nói một chút về phần cứng của hai ống kính này. Ống Panasonic Leica được trang bị hai nút chuyển chế độ AF-MF và tắt-mở chống rung O.I.S. Ống kính của Olympus thì sở hữu khớp chuyển AF-MF để lộ distance scale (vòng tiêu cự) và một nút L-Fn tùy biến đóng vai trò như một nút Function hỗ trợ cực kỳ tốt cho người dùng. Cả hai chiếc lens này đều sở hữu vòng zoom mượt mà và chính xác tới từng milimét; các vạch chỉ tiêu cự được đánh dấu rất chuẩn.


Lens hood đi kèm cả hai ống kính đều có hình hoa sen và đều có khớp khóa. Hai lens hood có kích cỡ ngang nhau vì hai ống kính có đường kính phi 62.

Chất lượng quang học


Hai ống kính zoom M.Zuiko 12-40mm và Panasonic Leica 12-60mm đều nằm trong phân khúc cao cấp và cũng vì lý do này mà chất lượng quang học của cả hai đều đạt mức PRO. Mặc dù cả hai chiếc lens zoom này không thể đạt được độ sắc nét của những ống kính tiêu cự cố định, nhưng chúng đủ “bén” cho hầu hết các nhu cầu chụp của chúng ta.

Độ sắc nét


Qua bài kiểm tra ở các tiêu cự 12mm, 25mm và 40mm, hai ống kính đến từ hai ông lớn này cho ra kết quả gần như tương tự nhau.


Độ sắc nét ở trung tâm bức ảnh đạt được mức tốt nhất ngay ở khẩu độ f/2.8 và giữ vững cho đến f/5.6. Ở f/8 thì độ sắc nét giảm không đáng kể. Lens 12-40mm của Olympus chỉ nhỉnh hơn một chút tẹo về độ tương phản. Mặt khác, một lợi thế to lớn của lens 12-60mm đó là tiêu cự dài hơn, và cho dù zoom in hết cỡ thì độ nét vẫn không bị ảnh hưởng cho đến f/5.6.


Độ nét ở rìa ảnh ở cả hai ống kính là tương tự nhau khi chụp từ f/2.8 đến f/5.6.

Hiệu ứng xóa phông


Hiệu ứng xóa phông chính là một trong những yếu tố mà mọi nhiếp ảnh gia luôn cân nhắc khi mua sắm ống kính. Về trường hợp của hai ống kính này thì bạn khó lòng mà đạt được độ “xóa phông mù mịt”, trừ khi bạn đứng thật gần chủ thể.


Bokeh ở cả hai ống kính nhìn rất giống nhau; độ xóa phông cũng không hẳn là mịn màng. Nhìn chung thì bokeh “đủ xài” nếu bạn chụp ảnh đời thường hoặc chụp hẳn ảnh cận macro.

Hiệu ứng bokeh ở cả hai ống kính đều có hình tròn, nhưng càng về rìa ảnh thì những khối bokeh bắt đầu bị bóp méo. Các khối bokeh ở lens 12-40mm có cấu trúc lốm đốm, trong khi các khối bokeh ở lens 12-60 lại có cấu trúc vòng “hành tây”. Và các khối cầu bokeh ở cả hai lens đều là loại có viền chứ không phải mịn màng.


Như đã nhắc đến ở trên thì khẩu độ f/2.8 toàn dãy zoom của lens 12-40mm cho ra hiệu ứng tách biệt chủ thể và nền tốt hơn. Lens 12-60mm của Pana-Leica không cho ra kết quả tương tự vì khẩu độ thay đổi khi chúng ta zoom; do đó nếu chúng ta muốn tách chủ thể khỏi nền thì chỉ có 2 lựa chọn: đứng gần chủ thể, hoặc zoom lại gần hơn.


Màu sắc


Chúng ta thường thấy ống kính của hai hãng Olympus và Panasonic luôn cho ra màu sắc khá khác nhau, và hai ống kính này cũng vậy. Khi đặt WB của body G85 ở nhiệt độ Kevin 5500 thì lens Olympus cho ra ảnh có tone ấm hơn.


Quang sai


Khi chụp trực tiếp vào mặt trời thì flare luôn xuất hiện ở cả hai ống kính. Nếu muốn giảm bớt độ gắt của flare thì chúng ta chỉ cần chỉnh góc nhìn lệch đi vài milimét.


Viền tím gần như không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện ở rìa ảnh khi chúng ta chụp ảnh có độ tương phản quá cao mà thôi. Hoan hô Olympus và Panasonic-Leica vì điều này.

Độ tối góc và méo ảnh


Trên toàn dãy tiêu cự thì cả hai ống kính đều gặp hiện tượng tối góc. Và chỉ khi khép khẩu tới f/5.6 thì hiện tượng này mới mất hẳn.


Ở góc nhìn rộng nhất là 12mm thì ống kính 12-60mm thể hiện rõ sự méo ảnh (barrel distortion), điều mà ống kính của Olympus kiểm soát rất tốt.

Góc nhìn


Cũng không quá hiếm đối với trường hợp mà hai ống kính cùng tiêu cự lại có góc nhìn khác nhau. Hai ống kính của Olympus và Panasonic này cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.


Ống kính 12-40mm cho một góc nhìn hẹp hơn mặc dù cả hai lens đặt ở góc 12mm. Khi zoom in cả hai ống kính tới 40mm thì sự khác biệt về góc nhìn không còn nữa.

Chống rung


Ống kính 12-60mm có một ưu điểm vượt trội người đàn anh là chống trung trên ống kính O.I.S. Khi gắn ống kính này len một thân máy Olympus hay Panasonic không có IBIS thì chúng ta vẫn chụp được những tấm ảnh sắc nét với tốc độ màn trập là 1 giây ở 12mm và 0.4 giây ở 60mm (miễn là trước đó đừng uống cà phê nha: uống cà phê là rung tay). Nếu gắn ống kính 12-60mm này trên các body tích hợp công nghệ Dual I.S như G85, GX85 hay GH5 thì còn kinh khủng hơn nữa: ảnh nét với tốc độ 1.6 giây ở 12mm và 1 giây ở 60mm.


Lý do mà ống kính 12-40 không được tích hợp công nghệ chống trung trên lens là do tại thời điểm ra mắt, Olympus hoàn toàn đặt niềm tin vào công nghệ chống rung 5 trục đỉnh cao của mình (5-axis IBIS). Mãi tới năm 2016 thì Olympus mới bắt đầu ứng dụng công nghệ Sync I.S (tương tự như Dual I.S của Panasonic). Và chỉ một số ít các ống kính được tích hợp công nghệ này thôi.

Tốc độ lấy nét


Cả hai ống kính đều lấy nét cực kỳ nhanh và êm ái trên các body mới nhất. Cả hai lens đều “im lặng” với chế độ lấy nét Single và Continuous dù là chụp hay quay.


Mặc dù hai ống kính này lấy nét tự động quá nhanh quá nguy hiểm, nhưng đôi khi chúng ta cũng thích lấy nét tay. Và cả hai ống kính đều không làm người chụp thất vọng khi chính mình canh nét.


Với cơ chế fly-by-wire trên ống 12-60mm thì việc ống kính đi từ khoảng cách tối thiểu tới vô cực phụ thuộc vào bạn xoay vòng lấy nét nhanh hay chậm: nếu bạn xoay chậm thì phải xoay một vòng chắn mới đi hết quãng lấy nét, còn xoay nhanh thì chỉ ¾ vòng là đi hết quãng rồi.


Ngoài việc giật khớp chuyển AF-MF thì ống 12-40 cũng có cơ chế fly-by-wire. Và xoay vòng lấy nét trên lens này đỡ tốn sức hơn khi chỉ cần xoay 1/2 vòng là đã đi từ khoảng cách nét tối thiểu đến vô cực.

Khoảng cách lấy nét tối thiểu


Khoảng cách lấy nét tối thiểu ở hai ống kính đều rất ngắn và cực kỳ hữu hiệu cho việc chụp ảnh cận macro. Olympus đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khi cho ống kính 12-40mm của họ một khoảng cách tối thiểu là 20cm toàn dãy. Trong khi ống kính 12-60mm của Panasonic thì có khoảng cách tối thiểu là 24cm ở 60mm.


Kết luận


Khẩu độ f/2.8 xuyên suốt toàn dãy tiêu cự giúp cho ống kính của Olympus trở thành sự lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên thì việc “dài ra” 20mm cũng là một thế mạnh, và ống kính Panasonic cho chúng ta được điều này.


Ống kính Pana-Leica 12-60mm có thể là một trợ thủ đắc lực cho những ai đang sở hữu những body không có chống rung cảm biến, nhất là các body của Panasonic ra đời trước năm 2016.


Nói về giá thành thì ống kính Panasonic Leica 12-60mm chỉ mắc hơn khoảng 2.5 triệu so với ống kính Olympus 12-40mm mà thôi. Cũng phải nói thêm, vì đã ra đời khá lâu cho nên việc mua ống kính 12-40mm đã qua sử dụng sẽ dễ dàng hơn và giá cũng khá mềm: dao động trong khoảng 11 triệu đồng.


Hãy mua ống kính Panasonic Leica 12-60mm f/2.8-4.0 nếu:

  • Bạn thích zoom dài thêm 20mm (40mm full-frame)
  • Bạn sở hữu body không được tích hợp chống rung cảm biến


Hãy mua ống kính Olympus M.Zuiko 12-40mm f/2.8 PRO nếu:

  • Bạn thường xuyên chụp trong môi trường ánh sáng yếu
  • Bạn sở hữu body có tích hợp chống rung cảm biến
  • Bạn tìm được ống kính đã qua sử dụng với giá không cưỡng nổi


Dịch từ: https://mirrorlesscomparison.com/