0

So sánh Panasonic S1 và S1R

NHỮNG ĐẶC TÍNH TƯƠNG ĐỒNG GIỮA PANASONIC LUMIX S1 VÀ S1R

  1. Cảm giác trên tay

Hai dòng máy này của Panasonic có nhiều điểm tương đồng hơn là khác nhau; vì thế mà mình sẽ bắt đầu bài so sánh này với những đặc điểm “sinh đôi” của chúng.

Thoạt nhìn qua thì hai mẫu máy này nhìn như là chiếc máy Lumix G9 được chích steroid vậy, đô con hơn, cứng cáp hơn. Cả hai chiếc S1 và S1R đều rất to, thật ra là to nhất trong tất cả các máy full-frame mirrorless trên thị trường hiện nay (bao gồm hệ thống Sony A7 và Nikon Z), chỉ nhỏ hơn Leica SL một chút thôi. S1 và S1R có chung thân máy cứng chắc chống chịu thời tiết khắc nghiệt tới -10ºC, chống nước văng và bụi bẩn. Đây hẳn là chiến lược làm khác biệt bản thân của Panasonic khi mà họ loại bỏ hoàn toàn yếu tố gọn nhẹ ra khỏi hai dòng máy này.


Nếu cầm trên tay 3 ống kính mới ra mắt cho hệ Lumix S thì chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được vì sao mà Panasonic lại làm thân máy to đến vậy. Sự khác biệt lớn về trọng lượng và kích thước sẽ dễ dàng hơn cho Panasonic trong việc định hình hai phân khúc máy mirrorless của họ (M4/3 và full-frame). M4/3 sẽ bảo đảm được sự gọn nhẹ và tính di động trong khi full-frame hứa hẹn các tiêu chí chất lượng.


Theo quan điểm cá nhân mà nói thì mình vẫn thích sự cân bằng mà Nikon áp dụng trên hai dòng Z6 và Z7 của họ, không to hơn bao nhiêu so với Sony A7 III nhưng lại có grip dễ cầm hơn rất nhiều. Nói là vậy, nhưng khi cầm S1 và S1R trên tay thì mới biết hai chiếc máy này tuyệt như thế nào. Chúng phát triển dựa trên thiết kế của G9 (đây là nước đi rất thông minh) kèm theo một số điều chỉnh “mỗi cái một chút.”


Các phím bấm và bánh xe chính xác tới từng chuyển động và rất nhạy kèm theo joystick chọn điểm lấy nét 8 hướng. Một số phím bấm quan trọng ở mặt sau sẽ được phát sáng khi chúng ta bấm backlight trên màn hình LCD.


Quick Menu đã được tinh chỉnh lại và nó có khả năng ghi nhớ những thông số chúng ta đã sử dụng gần đây. Menu chính cũng được tái thiết kế với rất nhiều tùy biến Q Menu, My Menu, và các chức năng gán cho các nút và cần gạt.


Ống ngắm điện tử trên cả hai chiếc máy này đều đạt 5.67 triệu điểm ảnh với tốc độ refresh là 120fps, như vậy là hầu như không có độ trễ. Độ phóng đại có thể tùy biến là 0.78x, 0.74x và 0.70x, đây là tính năng thật tuyệt cho các nhiếp ảnh gia đeo kính.


Màn hình LCD với độ phân giải 2.1 triệu điểm ảnh và kích thước 3.2 inch cho cường độ ánh sáng phù hợp với đa phần các điều kiện chụp kể cả khi nắng gắt. Các thao tác cảm ứng trên màn hình LCD này cũng rất nhạy và chính xác.


Panasonic cho S1 và S1R một màn hình LCD có thể lật trên 3 trục như Fujifilm đã làm với X-T2 và X-T3. Các bạn chuyên quay film thì có lẽ vẫn thích màn hình xoay lật đa chiều như của GH5 và GH5s.


Cả hai dòng máy này đều có 2 khe thẻ nhớ, S1 thì nhận thẻ tới chuẩn UHS-II trong khi S1R thì có thể nhận thẻ tới chuẩn XQD.


Các cổng kết nối bao gồm một cổng HDMI full size, một cổng USB Type C, một cổng audio out 3.5mm và một cổng remote control 2.5mm.


  1. Hoạt động của máy: tốc độ lấy nét, chống rung và các tính năng khác


Panasonic đã và đang phát triển công nghệ lấy nét Contrast DFD, với một chút hoài nghi ban đầu thì bây giờ mình đã thật sự bị thuyết phục bởi sự chính xác của nó.


Cả hai mẫu máy đều có số điểm lấy nét là 225, tốc độ đọc là 480fps và độ trễ khi lấy nét là 0.008 giây. Ở hai chế độ S-AF và C-AF thì hệ thống lấy nét DFD của Lumix đều cho kết quả chính xác và đáng tin cậy.


Panasonic cũng giới thiệu một tính năng lấy nét hoàn toàn mới là AAT (Advanced Artificial Technology) có thể bắt nét vào tròng mắt, nhận diện cơ thể người và các động vật khác. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang tạo nên một làn sóng mới cho ngành nhiếp ảnh, điển hình là Olympus cũng có công nghệ tương đương với AAT và Sony thì vừa cho ra mắt tính năng lấy nét vào tròng mắt động vật.


Khi trải nghiệm tính năng này thì cảm giác S1 và S1R bắt nét vào người nhanh, nhạy và bén. Bắt nét vào khuôn mặt cũng nhạy bén không kém, ngay cả khi chủ thể đang di chuyển và không nhìn trực diện vào máy. Một điểm khá khó chịu là cả hai chiếc máy này đều gặp khó khăn khi lấy nét trong điều kiện thiếu sáng, nhất là khi trên chủ thể không xuất hiện độ tương phản.


Lumix S1 và S1R đều có khả năng chống rung trên thân máy đến 5.5 EV, và nếu gắn ống kính hỗ trợ Dual IS thì có thể chống rung đến 6 EV.


Cả máy S1 và S1R còn có chung những tính năng:

  • Quay film 4K (60fps) và 6K (30fps)
  • USB tethering
  • Chụp ảnh panorama 65:24 và 2:1
  • Wifi và Bluetooth
  • Có thể sync với ứng dụng Lumix mới


Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu những điểm khác nhau giữa hai chiếc máy full-frame này của Panasonic nhé.


SỰ KHÁC NHAU GIỮA LUMIX S1 VÀ S1R


  1. Cảm biến


Panasonic Lumix S1 và S1R đều sở hữu cảm biến kích thước full-frame nhưng có độ phân giải khác nhau. Cảm biến của S1 đạt 24.2MP trong khi cảm biến của S1R đạt đến 47.3MP, cao nhất trong tất cả các máy full-frame mirrorless trên thị trường hiện nay (so với cảm biến 42MP của Sony A7RII và cảm biến 45MP của Nikon Z7).


Hai cảm biến trên S1 và S1R đều không có low-pass filter giúp tăng độ chi tiết, nằm phía sau cảm biến là vi xử lý Venus Engine thế hệ mới.


Điều đáng tiếc là chưa có phần mềm nào xử lý được ảnh RAW của hai chiếc máy mới này ngoại trừ Silkypix Studio 8 do Panasonic tung ra.


  1. Độ nhạy sáng


Với hai cảm biến có độ phân giải khác nhau thì không quá ngạc nhiên với độ nhạy sáng trên hai chiếc máy S1 và S1R này.

Giá trị ISO gốc của cả hai máy đều là 100 và kết thúc ở 51200 ở máy S1 và 25600 ở máy S1R. ISO mở rộng có thể xuống đến 50 ở cả hai máy và lên đến 204800 ở S1 và 51200 ở S1R.


S1 và S1R đều thể hiện khá tốt khi chụp ảnh ở ISO đến 12800 (với hình ảnh mịn ở S1 và khá ít nhiễu ở S1R).


  1. Chụp ảnh High-resolution


Công nghệ dịch chuyển cảm biến không chỉ dành cho việc chống rung mà còn hỗ trợ hiệu quả cho việc chụp ảnh phân giải cao.

Tương tự với HRS Mode trên Olympus, cơ chế High-resolution trên Lumix S1 và S1R cũng chụp 8 tấm ảnh liên tiếp bằng cách dịch chuyển cảm biến rồi ghép lại thành một tấm ảnh có độ phân giải cực lớn (96MP trên S1 và 187MP trên S1R). Và kinh khủng hơn nữa là ảnh Hi-res có thể được chụp dưới cả dạng JPG và RAW.


Chế độ chụp này yêu cầu phải có tripod và thể hiện tốt nhất nếu chủ thể không di chuyển.


  1. Chế độ quay film


Cả hai máy đều có khả năng quay film 4K 60fps với bitrate 150Mbps, đây là lần đầu tiên trên thị trường khi khả năng quay film ấn tượng như vậy xuất hiện với máy full-frame.


S1 có khả năng sử dụng hoàn toàn luồng thông tin pixel trên cảm biến do có độ phân giải thấp hơn; trong khi đó thì S1R cho phép người quay chọn giữa crop 1.1x, 1.5x và 2x.


Cả hai dòng máy này đều có thể dễ dàng quay film fullHD với số khung hình là 180fps.


Dòng máy S1 có thể quay film 4K 60p tối đa 30 phút, 4K 30p và fullHD không giới hạn. Còn S1R thì cho phép quay film 4K 60p tối đa 15 phút, 4K 30p 30 phút và fullHD không giới hạn.


Khi quay film slow-motion thì giới hạn tối đa ở cả hai máy là 15 phút.


  1. Profiles và chế độ HDR


Hai mẫu máy Lumix S1 và S1R đều có chung các profile màu (thêm profile màu Flat) sử dụng được cho cả chụp ảnh lẫn quay film.


Dòng máy S1 sẽ hỗ trợ tốt hơn cho những người quay film chuyên nghiệp với Cine-Like D và V, V-Log HLG (Hybrid Log Gamma) được ghi dưới định dạng HEVC (H265) at 10-bit 4:2:0 and 75Mbps. HLG là chuẩn video có thể được trình chiếu trên các HDR Tivi.


Chế độ chụp HDR cũng rất ấn tượng, cho ra file HSP chứa thông tin 10bits cao hơn nhiều so với hình JPG thông thường.


Nhìn chung mình rất thích khả năng xử lý màu sắc trên cả hai máy với độ bão hòa cân bằng và tông da đẹp ở các điều kiện ánh sáng khác nhau.


  1. Bộ nhớ Buffer


Hai máy có thể chụp liên tiếp 9fps với Single AF và 6fps với Continuous AF. Tuy nhiên dòng S1R có bộ nhớ buffer thấp hơn với khoảng 40 tấm ảnh RAW hoặc 50 tấm ảnh JPG, còn S1 thì chụp được liên tiếp 90 tấm ảnh RAW và vô hạn ảnh JPG.


  1. Độ bền của pin


Hai máy S1 và S1R sử dụng loại pin mới với thông số 7.4V, 3050mAh, 23Wh có thể sạc trực tiếp qua cổng USB Type C kể cả khi đang mở máy. Một viên pin cho 400 tấm ảnh trên S1 và 380 tấm ảnh trên S1R.


  1. Giá bán ra thị trường


Khoảng cách giữa hai sản phẩm của Panasonic là rất lớn với S1 bán ra với mức giá khoảng 55 triệu đồng và S1R với khoảng 83 triệu đồng.


Đây là giá cho thân máy không kèm ống kính.

Dịch từ: https://mirrorlesscomparison.com/panasonic-vs-panasonic/s1-vs-s1r/