-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
5 ĐIỀU NÊN LÀM VÀ NÊN TRÁNH KHI SỬ DỤNG MÁY ẢNH OLYMPUS OM-D
Thiên Bảo13/08/2019
TẮT CHỨC NĂNG TỰ XEM LẠI ẢNH SAU KHI CHỤP
Tất cả các máy ảnh đều có chức năng tự động cho người dùng xem lại bức ảnh vừa được chụp. Cho dù một vài nhiếp ảnh gia muốn biết chắc rằng bức ảnh họ chụp đã đạt yêu cầu hay chưa thì chức năng này thực tế lại gây phiền toái vì nó chen ngang quá trình tác nghiệp bằng cách dừng mọi chức năng của máy ảnh trong một quãng thời gian (thường là 1 đến 3 giây). Chức năng này đặc biệt rất khó chịu trên các dòng máy sử dụng ống ngắm điện tử (EVF) và live view trên LCD. Có những lúc tôi để vuột mất “khoảnh khắc vàng” chỉ vì cái chức năng tự xem lại ảnh này đây. Tôi thành khẩn khuyến nghị mọi người tắt chức năng này đi; chúng ta có thể xem lại một loạt các bức ảnh khi không chụp nữa.
VÔ HIỆU HÓA CẦN GẠT CHUYỂN CHỨC NĂNG
Kể từ khi cho ra đời mẫu máy PEN E-P5 thì Olympus cũng tiện thể giới thiệu cần gạt 2x2 chuyển đổi chức năng, và cần gạt này bắt đầu xuất hiện trên hầu hết mọi dòng sản phẩm OM-D. Cần gạt này cho phép người dùng chuyển chức năng của hai bánh xe trước và sau. Khi ở vị trí số 1 thì hai bánh xe này giữ vai trò nguyên thủy: chỉnh khẩu độ, tốc độ màn trập, bù trừ sáng (tùy theo các chế độ P, A, S, M). Còn khi chúng ta gạt cần qua vị trí số 2 thì hai bánh xe sẽ hiệu chỉnh ISO và White Balance. Cần gạt này nghe có vẻ hữu ích đó, cho tới khi nó tự bật trong giỏ của tôi luôn thưa anh em gần xa. Lấy máy ra, cất máy vào cũng vô tình thay đổi vị trí của cần gạt này. Mãi tới khi tôi cần chỉnh thông số nhanh để chụp lấy “khoảnh khắc vàng” của tôi thì ôi thôi quá muộn màng rồi; tôi cần chỉnh khẩu độ mà máy lại nhảy ISO. Đợi 1 giây để gạt lại đúng vị trí thì khoảnh khắc cũng trôi qua mất. Bực bội quá nên tôi vô hiệu hóa cần gạt này luôn, và tôi khuyên các bạn cũng vậy nha.
ỐNG NGẮM ĐIỆN TỬ NGỐN PIN NHIỀU HƠN MÀN HÌNH
Đây từ lâu đã không còn là một bí mật cần được bật mí nữa rồi, ai cũng nên biết điều này; tuy vậy thì tôi vẫn thấy là có người tin rằng sử dụng EVF sẽ tiết kiệm pin hơn LCD. Niềm tin mãnh liệt này âu cũng là do mang từ việc sử dụng máy DSLR qua. Ở hệ máy DSLR do sử dụng ống ngắm quang nên đúng là “cứ ngắm và không bật live view thì pin bao giờ mới hết”. Nhưng mà với máy mirrorless thì khác nha. EVF có độ phân giải và tốc độ refresh cao gấp đôi màn hình LCD nên cũng vì lý do này mà nó hút pin nhanh gấp hai lần. Lời khuyên của tôi cho trường hợp này là anh em nên chuẩn bị nhiều pin dự phòng và sử dụng ống ngắm điện tử hoặc màn hình tùy ý, miễn là mình thấy thoải mái nhất khi chụp. Chỉ khi nào mình đem theo duy nhất 1 viên pin thì sử dụng 100% màn hình LCD là việc cần phải làm.
KHÔNG SỬ DỤNG BỘ CHUYỂN ĐỔI TELE KỸ THUẬT SỐ
Ban đầu thì tôi không coi đây là một vấn đề đâu, bởi vì chúng ta đều biết là zoom kỹ thuật số sẽ cho ra chất lượng hình ảnh kém. Nhưng tôi cũng viết ra đây bởi vì một số anh em than với tôi là hình họ chụp ra sao mà tệ quá, còn thua smartphone nữa. Tôi kêu họ gởi file ảnh gốc cho tôi xem thử thì quả thật là hình họ chụp ra không nét, nhòe nhòe, và nhiễu hột. Và khi tôi kiểm tra máy của họ thì chức năng teleconverter đang được bật. Một nửa trong số họ không hề biết là chức năng này bật sẵn, một nửa còn lại không biết là chức năng này gây thiệt hại to lớn về chất lượng hình ảnh. Teleconverter sẽ cho ra bức ảnh 16MP với chất lượng 4MP. Anh em xin nhớ đừng sử dụng tính năng này nhé.
ĐẶT NOISE REDUCTION Ở GIÁ TRỊ AUTO
Cuối cùng, hãy hứa với tôi là bạn đừng có để chức năng noise reduction ở giá trị “on”. Tính năng giảm noise trên máy ảnh Olympus không chính xác là “giảm” đâu; nó thật sự hoạt động theo công thức giảm khung ảnh đen (chụp một tấm ảnh thường sau đó chụp một tấm ảnh đen hoàn toàn rồi ghép lại để xóa các điểm ảnh nóng do tăng nhiệt cảm biến). Lấy mẫu máy OM-D E-M1 Mark II làm ví dụ: nếu chúng ta bật noise reduction thì nó sẽ hoạt động khi tốc độ màn trập chậm hơn 4 giây. Lúc này thì máy sẽ tự chụp thêm 1 tấm ảnh đen hoàn toàn trong vòng 4 giây (bằng với tốc độ màn trập do mình chỉnh). Như vậy thì thời gian chụp ra 1 tấm ảnh sẽ kéo dài tới 8 giây.
Một điều cần lưu ý là nếu chúng ta để noise reduction luôn bật thì cho dù ở tốc độ màn trập nào máy cũng tự chụp 2 tấm hình theo công thức. Điều này làm giảm tốc độ chụp của máy, thể hiện rất rõ ở thời gian chờ giữa hai lần bấm máy. Tôi cũng không khuyên các bạn tắt hẳn chức năng này; cứ để nó ở giá trị “auto”. Máy ảnh ngày nay đủ thông minh để tự kích hoạt tính năng này. Miễn là chúng ta không để tính năng này ở giá trị “on” thì tốc độ kinh hoàng của dòng máy OM-D vẫn được đảm bảo.
Hi vọng các thủ thuật nho nhỏ của tôi sẽ trở nên hữu ích cho các bạn.
Dịch từ https://robinwong.blogspot.com/2019/08/5-dos-donts-on-using-olympus-om-d.html
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.