-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Chụp ảnh phong cảnh và những điều nhiếp ảnh gia nào cũng nên nắm rõ
Nga Tran22/03/2023
Vào năm 1867, nhiếp ảnh gia Timothy O’Sullivan đã khám phá và đưa miền Tây Hoa Kỳ vào một phần trong Khảo sát Thám hiểm Địa chất Vĩ tuyến 40.
Các tác phẩm nhiếp ảnh của ông được chia sẻ rộng rãi trên khắp nước Mỹ, và đây là lần đầu tiên những nhà phê bình bình dân nhất được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ và hoang dã của những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ này. Rất nhiều người sau đó đã “xách ba lô lên và đi” để mục sở thị những danh lam thắng cảnh đó. Nhiều người thậm chí còn tìm được chính xác vị trí mà những bức ảnh yêu thích của mình đã được chụp tại nơi đây.
Nhờ sự ra đời của máy ảnh, các nhiếp ảnh gia đã ủng hộ việc bảo tồn các địa điểm hoang dã, trong đó có Carleton Watkins (1829–1916) và Ansel Adams (1902-1984) - cả hai đều góp công sức vào quá trình bảo vệ Công viên Quốc gia Yosemite.
Ngày nay, cộng đồng nhiếp ảnh gia phong cảnh vẫn tiếp tục duy trì những gì họ đã làm trong suốt gần 2 thập kỷ qua: kết nối tất cả mọi người với thế giới tự nhiên.
Cộng đồng 500px đã phỏng vấn đại sứ Hayden Stinebaugh để tìm hiểu sâu hơn về tình hình của nhiếp ảnh phong cảnh trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, anh cũng chia sẻ cho chúng ta bí kíp để chụp được những bức ảnh “để đời”.
Khi chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số, Hayden cho rằng một điều rất quan trọng trong chụp ảnh phong cảnh là giữ được vùng sáng.
Anh chia sẻ: “Trên Instagram, tôi rất hay thấy ảnh chụp tại các địa điểm đẹp nhưng bầu trời trong ảnh lại bị quá sáng hoặc thậm chí là họ ghép một bầu trời khác vào trong ảnh”.
Nhưng rất may, chúng ta có cách xử lý cho tình trạng này. Bạn có thể chụp chênh sáng hoặc phơi sáng để giữ vùng sáng trong tầm kiểm soát. Với dải tương phản trong máy ảnh kỹ thuật số ngày nay, bạn có thể dễ dàng lưu lại vùng tối của bức ảnh, nhưng lại không thể lấy lại được vùng sáng.
Bí kíp #1: “Ai cũng có thể chụp được ảnh tại các địa điểm đẹp, nhưng nếu muốn đem yếu tố “bất ngờ ngỡ ngàng ngơ ngác và bật ngửa” vào bức ảnh, bạn cần nắm rõ cách sắp xếp bố cục đẹp. Tôi vẫn luôn cố gắng thêm vào nhiều chi tiết và lớp hình ảnh vào trong các tác phẩm của mình. Tôi thích đưa cái gì đó lên phía trước, phía trung tâm và khung nền của bức ảnh để thu hút sự chú ý”.
Không giống như thế kỷ trước, Hayden chụp ảnh màu và anh muốn những bức ảnh của mình trông tự nhiên nhất có thể.
“Tôi thấy ngay từ khi mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực chụp ảnh phong cảnh, mọi người thường có xu hướng thích chỉnh sửa ảnh sao cho thật khác thường, kiểu bóng màu cam và vùng sáng màu xanh mòng két. Càng chụp nhiều tôi lại càng ít chỉnh sửa hậu kỳ hơn. Bố cục và ánh sáng là hai yếu tố đặc biệt quan trọng, vậy nên bạn không nên bỏ qua hai yếu tố đó chỉ để tập trung vào bức ảnh với ánh sáng và màu sắc không thể hiện thế giới thực”.
Phong trào hiện thực hóa trong nhiếp ảnh phong cảnh không phải chỉ có một mình Hayden. Vào năm 2012, quán quân cuộc thi Nhiếp ảnh gia Phong cảnh của năm đã mất danh hiệu của mình vì đã thêm chi tiết đám mây và xóa đi một vài chi tiết trong quá trình chỉnh sửa hậu kỳ ảnh của mình.
Tranh luận về vấn đề photoshop có thể là vấn đề mới, nhưng những nhiếp ảnh gia phong cảnh đã dành cả một thế kỷ để khám phá những cách tạo ấn tượng trong các tác phẩm của mình một cách nguyên bản mà vẫn sáng tạo.
Bí kíp #2: “Những mẹo đơn giản như tập trung vào chủ thể hay quy tắc Một phần ba có thể thực sự cải thiện chất lượng bức ảnh lên rất nhiều. Không có gì tệ hơn một bức ảnh với đường chân trời cong queo hay chủ thể nằm ở một vị trí kỳ quặc trong bức ảnh”.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, nhiều nhiếp ảnh gia phong cảnh có xu hướng thiên về những bức ảnh giống tranh. Một ví dụ điển hình là bức Moonlight: The Pond (tạm dịch: Trăng bên hồ). Tác giả Edward Steichen đã tự tô vào màu đen trắng và thêm tông màu xanh nước biển vào cảnh đêm, nhiều người còn nghĩ anh đã tự vẽ cả mặt trăng trong bức ảnh.
Mặt khác, các nhiếp ảnh gia Edward Weston, Ansel Adams và Imogen Cunningham thì không theo xu hướng ảnh chụp như vậy. Thay vào đó, họ ủng hộ cách chụp ảnh sắc nét, nước ảnh trong và có chiều sâu lớn.
Họ đã thành lập Nhóm f.64 - được đặt tên theo khẩu độ f/64 trên máy ảnh khổ lớn. Với những chiếc máy ảnh đó, Weston đã dùng kính mờ - gần giống với khe nhìn trên máy ảnh ngày nay - để căn chỉnh góc chụp. Anh gọi toàn bộ quá trình này là “ngắm trước”, cố gắng truyền tải khung cảnh đúng như ngoài đời thực kể cả ở những chi tiết nhỏ nhất..
Bí kíp #3: “Giá mà ai đó đã dạy tôi về điểm tốt nhất của khẩu độ ống kính máy ảnh. Tôi nhớ là mình cần chụp mọi thứ ở khẩu độ F16, trong khi thực tế là F8-F11 là khẩu độ tốt hơn đối với ống kính mà tôi đang dùng. Bây giờ thì tôi chụp mọi thứ trên tripod nếu tốc độ màn trập ở đâu đó khoảng dưới 1/125. Tôi từng chỉ cầm tay chụp trong điều kiện thiếu sáng và kết quả là khá nhiều ảnh bị mờ”.
Vì nhiếp ảnh phong cảnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhưng điều duy nhất còn giữ vững cho tới ngày nay là sự tò mò, ham khám phá.
Miền Tây Hoa Kỳ đã được đưa lên bản đồ, nhưng những nhiếp ảnh gia phong cảnh của năm 2019 vẫn bị thôi thúc bởi niềm đam mê giống như O’Sullivan và các cộng sự của ông khi xưa.
Khi Hayden tới Tây Bắc Iceland cùng những người bạn của mình, anh đã muốn tới một nơi. Lúc đó, một cơn lốc xoáy bỗng ập tới, nhưng thay vì ở yên trong nhà, anh đã mạo hiểm ra ngoài và lao vào cơn bão để đi tới địa điểm đó theo đúng kế hoạch. Anh khẳng định: “Lúc nào tôi cũng chụp, kể cả khi tôi nghĩ đó là việc lãng phí thời gian. Vậy nhưng đa số những lần đó tôi đều thấy mọi thứ thật đáng!”
Bí kíp #4: “Gần đây tôi còn dùng iPad và kết nối với máy ảnh Canon thông qua ứng dụng. Việc này giúp tôi nhìn toàn cảnh bức ảnh rõ ràng hơn và có thể chụp ảnh mà không cần cầm tới máy ảnh, giống như kiểu chụp ảnh kết nối máy tính ấy nhưng lại không có dây nhợ lòng thòng, rất tiện.”
Ở phần phía trên, chúng tôi đã đề cập tới những nhiếp ảnh gia kiêm nhà bảo vệ môi trường. Tuy nhiên trong lĩnh vực này cũng có những mặt tối không phải ai cũng chú ý tới.
Du lịch đại trà là mối nguy hại lớn đối với môi trường vì có những nhiếp ảnh gia đi chụp nhưng lại không để tâm tới việc bảo tồn địa điểm chụp. Chẳng hạn, vào năm 2001, một nhiếp ảnh gia đã gây sự chú ý vì đã nhóm lửa trong công viên quốc gia chỉ để tạo “hiệu ứng ấn tượng.”
Năm 2015, giới báo chí đã liên tục lên án về sự nổi lên của “Instagram Hiker” - một nhóm nhiếp ảnh gia đã gây nguy hại tới cây cối, hoa cỏ dại và cả chính bản thân họ chỉ để chụp một bức ảnh.
Theo Hayden, sự thay đổi lớn trong nhiếp ảnh phong cảnh trong những năm gần đây liên quan đến Instagram. Mọi người càng ngày càng thích “câu like” và muốn trở nên nổi tiếng mà không phải ai cũng hiểu rõ hay có niềm yêu thích thực sự đối với những địa danh mà họ chụp.
Luôn có những viễn cảnh tươi đẹp hơn, nhưng có lẽ tương lai của nhiếp ảnh phong cảnh cũng phụ thuộc vào tình trạng nguyên vẹn của các địa danh. Hayden chia sẻ: “Gần đây tôi có tới Công viên Quốc gia Glacier ở Montana và chứng kiến những hậu quả do cháy rừng gây ra. Mặc dù tôi đã chụp được một vài bức ảnh khá ổn, nhưng đây quả là hồi chuông báo động về mối nguy hiểm mà những khu rừng phải đối mặt.”
Suy cho cùng, những trải nghiệm đã giúp Hayden nhận thức sâu sắc hơn về việc mình cần đối xử với môi trường như thế nào. Những bức ảnh của anh, cũng giống như các bức của O’Sullivan, Watkin hay Weston, đều trường tồn mãi với thời gian, nhưng chúng cũng phản ánh cả hiện tại. Mối quan hệ giữa con người và Mẹ Thiên Nhiên đã, đang và sẽ thay đổi, và đương nhiên, nhiếp ảnh phong cảnh cũng sẽ chuyển mình theo nhịp độ đó.
Bản quyền dịch: Valor team
Credit: The basics of scenery photography: A deep dive into landscapes
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.