0

Nhiếp ảnh thiên văn và các vấn đề với người mới chơi

1. Lựa chọn đúng đối tượng cần ghi hình

Bầu trời có vô số đối tượng để chúng ta ghi hình. Dựa vào các đối tượng đó mà nhiếp ảnh thiên văn nghiệp dư có thể chia thành nhiều thể loại, đơn giản nhất có thể kể đến như nhiếp ảnh Milky Way, nhiếp ảnh Mặt Trời, nhiếp ảnh hành tinh… Các thể loại nhiếp ảnh thiên văn khác nhau, dĩ nhiên, sẽ yêu cầu mua sắm thiết bị khác nhau. Trong nội dung bài viết này, tôi sẽ tập trung nhiều vào nhiếp ảnh DSO.

dso_collection_image_2019_havnblog

Tinh vân, thiên hà và cụm sao là đối tượng của nhiếp ảnh DSO.

DSO là gì? DSO (Deep Sky Object) là những đối tượng thiên văn nằm trong không gian sâu, trừ những vật thể sau: các ngôi sao riêng lẻ, các thiên thể nằm trong hệ Mặt Trời như Mặt Trăng, các vệ tinh, hành tinh, sao chổi, thiên thạch… Như vậy, nhiếp ảnh DSO hướng đến các đối tượng chính là tinh vân, thiên hà và cụm sao.

Góc nhìn trên bầu trời và độ sáng của DSO gần như là hai yếu tố quyết định đến “độ khó” khi ghi hình. Một công cụ đơn giản để kiểm tra góc nhìn và độ sáng của DSO có phù hợp với hệ thống của mình hay không, đó là phần mềm mô phỏng bầu trời Stellarium.

Một đối tượng được coi là “phù hợp” với người mới chơi phải thoả mãn cả hai điều kiện: có góc nhìn đủ lớn trên bầu trời và có độ sáng cao, dễ dàng chụp được với thời gian phơi không quá dài. Một số tinh vân hành tinh như tinh vân Nhẫn (Ring nebula) tuy sở hữu độ sáng “khủng” nhưng lại có góc nhìn tương đối nhỏ. Do đó, để ghi hình được chúng với độ chi tiết cao, chúng ta cần tới hệ thống kính nặng nề và giá thành không hề nhỏ. Tương tự, bầu trời đêm cũng có nhiều tinh vân sở hữu góc nhìn lớn nhưng lại vô cùng mờ nhạt, cần thời gian phơi sáng dài, đôi khi lên tới vài chục giờ ở những nơi có bầu trời trong và ít ô nhiễm ánh sáng. Đối với người mới chơi, anh em thường bối rối khi lựa chọn mục tiêu phù hợp với trình độ và thiết bị của mình. Thống kê sau cho thấy một số đối tượng tiềm năng ghi hình tại Việt Nam:

capture_target_dso_havnblog

(*) Tiêu cự khuyên dùng được áp dụng với cảm biến APS-C thông dụng.
(*) Việc lựa chọn đối tượng và mức độ khó khi ghi hình dựa nhiều vào kinh nghiệm cá nhân của tôi chứ không có công thức cố định nào để đánh giá.

Dựa vào bảng trên, chúng ta nhận thấy: để ghi hình những đối tượng tiềm năng, một kính thiên văn sở hữu tiêu cự dưới 600mm là dễ dàng đáp ứng. Có vài vật thể thậm chí có thể chụp được được bằng lens tele máy ảnh như thiên hà Tiên Nữ, tinh vân Lagoon cùng vùng mây bụi lân cận (chỉ cần tiêu cự cỡ 200mm).

Dự định mua sắm thiết bị cho bất kỳ ai, kể cả người có kinh nghiệm chơi ảnh thiên văn cũng cần được bắt đầu từ khâu tính toán khả năng tương thích về mặt góc nhìn (fov) của hệ thống ghi hình với các đối tượng sắp nhắm tới. Một lưu ý rằng, với hệ thống càng gọn nhẹ và tinh giản, chúng ta càng tiết kiệm được chi phí cho các thiết bị liên quan. Người mới chơi nên tránh tâm lý “đua” độ lớn của kính, hay cho rằng tiêu cự kính càng dài thì càng chụp được nhiều đối tượng trên bầu trời. Thực tế, tiêu cự càng dài thì càng khó kiểm soát, đồng thời cũng không phù hợp để chụp những đối tượng có góc nhìn lớn (và dễ chụp) trên bầu trời như bảng trên đã liệt kê.

2. Ô nhiễm ánh sáng với nhiếp ảnh thiên văn

Có lẽ không cần bàn nhiều tới tác hại của ô nhiễm ánh sáng và ảnh hưởng tiêu cực của nó tới nhiếp ảnh thiên văn. Bạn đang sống giữa trung tâm thành phố lớn như Hà Nội hay Hồ Chí Minh, bạn muốn chụp được những bức ảnh tinh vân “thần sầu” như trên Google, đó là điều bất khả thi. Và không chỉ có các thành phố lớn, ngay cả những khu vực ngoại ô trên khắp Việt Nam cũng đang hứng chịu nguy cơ tương tự. Nhiếp ảnh thiên văn không chỉ là một thú chơi phức tạp, xa xỉ mà còn vô cùng kén chọn!!

Các số liệu về ô nhiễm ánh sáng thường dựa vào thang đo Bortle, một quy ước được công nhận rộng rãi bởi giới chơi ảnh thiên văn nghiệp dư để mô tả độ sáng của bầu trời đêm tại một vị trí cụ thể. Thang đo Bortle có 9 mức, với mức 1 biểu thị cho bầu trời đêm lý tưởng và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng. Còn mức 9 thường được đo ở những nơi như trung tâm các thành phố lớn với mật đồ đèn đường, đèn quảng cáo và ánh sáng sinh hoạt dày đặc. Hãy quan sát hình dưới đây để thấy được khác biệt tương đối giữa các mức độ ô nhiễm ánh sáng:

image-asset

Thang Bortle từ phải qua trái theo thứ tự ô nhiễm ánh sáng tăng dần. Ảnh: SKYGLOW.

Các bạn có thể tìm hiểu về thang ô nhiễm tại nơi mình đang sống dựa vào một trong các bản đồ online sau:
– https://www.lightpollutionmap.info
– https://darksitefinder.com
Hoặc cài đặt ứng dụng di động Clear Outside. Mức độ ô nhiễm trên thang Bortle sẽ được thể hiện trên giao diện app.

Mức Bortle dưới 4 được coi là lý tưởng cho nhiếp ảnh thiên văn. Khi bầu trời đêm trong trẻo và ít chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng, máy ảnh sẽ phơi được lâu hơn mà không bị dính quầng gradient hoặc cháy sáng trầm trọng do ánh sáng từ mặt đất hắt lên. Màu sắc các thiên thể và bầu trời sẽ thật hơn, dễ dàng khi xử lý hậu kỳ.

IMG_0960

Bầu trời mùa đông đầy sao tại một khu vực Bortle 4.

Với mức Bortle trên 5, ô nhiễm ánh sáng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh thu được. Thông thường, nếu không sử dụng công cụ hỗ trợ, khu vực Bortle 6 thường chỉ cho phép phơi sáng dưới 1 phút (ISO 1600 với khẩu độ F4) trước khi ảnh bị cháy hoặc ám vàng nặng nề tới mức không thể cứu được. Thang Bortle cao hơn, thời gian phơi sáng càng ngắn lại, làm giảm khả năng thu tín hiệu có ích tới từ các thiên thể tối.

Một giải pháp gần như duy nhất hiện giờ để đối phó với tình trạng ô nhiễm ánh sáng là kính lọc chống ô nhiễm ánh sáng. Nguyên tắc chung của các loại kính lọc này đều khá tương đồng nhau, đó là tìm cách giảm bớt (lọc bớt) những bước sóng dư thừa trước khi tới sensor thu hình, chỉ để lại phần phổ phát xạ có ích tới từ các đối tượng chính trên bầu trời. Tôi dùng từ “giảm bớt” ở đây là vì không có một loại kính lọc nào có thể loại bỏ 100% ô nhiễm ánh sáng. Trên thực tế, có rất nhiều loại đèn sở hữu bước sóng phát xạ trải rộng trên mọi vùng phổ ánh sáng mà con người nhìn thấy được như đèn led trắng, đèn halogen kim loại… Do đó, khả năng bị trùng chập phổ với các đối tượng thiên văn trên bầu trời là có thể xảy ra và mật độ những loại đèn này trên mặt đất càng cao thì càng khó để loại bỏ tác động của chúng khỏi ảnh.

Dựa trên đặc tính, có thể chia kính lọc chống ô nhiễm ánh sáng dành cho nhiếp ảnh thiên văn DSO ra một vài loại như sau:

– Kính lọc phổ rộng (Broadband): Kính lọc phổ rộng hoạt động cách chặn bước sóng vàng cam từ đèn hơi natri và đèn hơi thuỷ ngân, cho phép một vùng phổ phát xạ rất rộng truyền qua. Vùng phổ này bao trùm bước sóng phát xạ H-beta, O-III (xanh lục) và vùng đỏ sậm chứa H-alpha. Trong điều kiện ánh sáng thành phố, các loại kính lọc phổ rộng yếu thường cho ra ảnh ngả xanh lam sáng. Loại lọc mạnh hơn có thể cho ảnh sai màu nhiều hơn tuỳ thuộc vào vùng phổ bị cắt đi. Loại kính lọc này thường tỏ ra kém hiệu quả với các nguồn ô nhiễm ánh sáng như đèn led trắng, đèn huỳnh quang (đặc biệt loại nào phát ra màu xanh dương và lục thì tác dụng lọc gần như ko đáng kể). Vì lý do này, các loại kính lọc phổ rộng thường hoạt động tốt với bầu trời ngoại ô và vùng nông thôn, nơi ô nhiễm ánh sáng không quá nặng nề và nguồn khởi phát ô nhiễm không quá phức tạp. Tác dụng chủ yếu của kính lọc phổ rộng là tăng cường độ tương phản của nền trời, giảm phần ánh sáng ô nhiễm đường chân trời, giúp các tinh vân phát xạ màu đỏ tối và xanh dương dễ “nổi” lên trên nền trời, do đó rất phù hợp cho hoạt động quan sát và ghi hình bằng DLSR hoặc camera color chuyên dụng.

red_intensifier_filter_review

Ảnh trước và sau khi sử dụng kính lọc Hoya Red intensifier. Ảnh: Lonely Speck.

Các loại kính lọc phổ rộng khác nhau cũng cho đặc tính lọc khác nhau. Thông thường một số loại kính lọc được đặt tên theo hậu tố “Nature light” (Ánh sáng tự nhiên) hoặc “Red intensifier” (Tăng cường đỏ) hoặc L-Pro sẽ cho màu sắc tự nhiên nhất nhưng hiệu quả lọc không được mạnh, phù hợp cho thể loại nhiếp ảnh Milkyway và ảnh thiên văn trường rộng ở những nơi ít ô nhiễm ánh sáng. Kính lọc CLS (City Light Supression) sẽ cho hiệu quả lọc mạnh hơn với sai số màu sắc là rất đáng kể, ảnh sẽ bị ngả lục nhiều (nhưng có thể sửa được bằng cách xử lý cân bằng trắng trên ảnh RAW).

astronomikuhcfilter

Kính lọc UHC của Astronomik chỉ cho phép truyền qua vùng ánh sáng có dải từ 484 – 506nm và  vùng từ 630nm trở lên.

Kính lọc kiểu UHC (Ultra-High Contrast) sẽ cho hiệu quả lọc mạnh nhất. Thông thường, kính lọc UHC chỉ cho phép một vùng rất hẹp bước sóng đi qua từ 484 – 506nm chứa thêm vạch phổ của H-beta và O-III. Ngoài ra, một số tinh chỉnh thêm có thể cho phép vùng ánh sáng đỏ từ 630nm trở lên đi qua, vùng này chứa vạch phổ H-alpha và S-II. Ngoài các vùng ánh sáng được phép đi vừa nêu, phần còn lại sẽ bị lọc gần như hoàn toàn, hiệu quả có thể đạt 90% hoặc hơn.

6716150985_9ee6559865_b

So sánh ảnh trước và sau khi sử dụng kính lọc Baader UHC-s với thời gian phơi sáng 30 giây (tương ứng với ảnh trái và phải). Hãy lưu ý màu sắc các ngôi sao hơi ngả lục nhạt trong ảnh bên phải. Ảnh: Jurgen Kobierczynski.

Kính lọc UHC thường cho ra ảnh có độ tương phản rất cao với nền trời màu lam tối hoặc có thể hơi ngả đỏ (hoặc hồng tím). Màu sắc các ngôi sao sẽ bị ảnh hưởng nặng và tương đối khó để khôi phục về nguyên bản. Do đặc tính lọc quá mạnh của mình, UHC thường không được khuyên dùng để chụp Milkyway hoặc các thiên hà khác (do các vật thể này phát ra ánh sáng trắng toàn dải). Chủ yếu người chơi sẽ dùng nó vào việc quan sát hoặc ghi hình tinh vân phát xạ ở những nơi có ô nhiễm ánh sáng tương đối cao.

– Kính lọc dải hẹp (Narrowband): Kính lọc dải hẹp làm việc bằng cách chặn hoàn toàn các vùng phổ dư thừa, chỉ cho truyền qua một dải rất hẹp trên vạch quang phổ phát xạ của một hoặc vài nguyên tố nhất định (thường là từ 22nm trở xuống). Hiệu quả lọc cực cao khiến cho loại kính lọc này trở thành ứng cử viên hàng đầu cho dân chơi ảnh thiên văn ở những vùng ô nhiễm ánh sáng nặng. Thực tế, một vài loại kính lọc UHC đặc biệt có thể được chế tạo tối ưu tới mức cho một vùng phổ đi qua dưới 22nm và nhiều người có thể tạm coi đây là một loại kính lọc dải hẹp. Tuy nhiên, có rất ít loại kính lọc UHC như vậy (và nếu có, thì tên gọi của chúng cũng rất khác biệt để tránh nhầm lẫn với các loại UHC thông dụng và rẻ tiền hơn) nên tôi sẽ tạm bỏ qua.

unnamed

Một kính lọc dải hẹp Hydrogen Alpha (H-alpha) của hãng Astrodon với dải phổ cho phép truyền qua chỉ rộng 5nm.

Thông thường, khi nhắc tới kính lọc dải hẹp, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới loại kính lọc phổ phát xạ nguyên tố (Specific emission line). Cơ sở lý thuyết của loại kính lọc này chủ yếu dựa vào đặc tính chung của các tinh vân trong vũ trụ thường chứa một vài nguyên tố phổ biến như hidrogen, helium, nitrogen, sulfur, oxygen… Các nguyên tố này khi bị ion hoá sẽ phát ra ánh sáng ở một bước sóng cố định mà chúng ta đã biết trước. Do đó, loại kính lọc Specific emission line chỉ cần cho qua thành phần ánh sáng này với dung sai thật thấp và loại bỏ đi phần lớn lượng ánh sáng dư thừa. Vùng ánh sáng đi qua càng hẹp thì ảnh càng có độ tương phản cao và rất ít bị dính ô nhiễm ánh sáng. Một số loại kính lọc dải hẹp tốt nhất hiện nay cho phép một phổ ánh sáng truyền qua với phạm vi chỉ 3nm, rất lý tưởng để chụp trong những vùng ô nhiễm ánh sáng nặng và gần như “miễn nhiễm” với ánh trăng và ô nhiễm ánh sáng nặng.

helix_h_o_narrowband_compare

Tinh vân Helix chụp bằng kính lọc dải hẹp H-alpha (trên) và OIII (dưới) thông qua camera monochrome. Hình ảnh cho thấy sự phân bố của các nguyên tố hidrogen và oxygen trong lòng tinh vân.

Bản thân mỗi loại kính lọc narrowband nhất định thì chỉ phản ánh được một màu sắc đơn nhất của tinh vân. Do đó, để thể hiện được màu sắc đầy đủ, chúng ta cần sử dụng tối thiểu hai hoặc ba (hoặc nhiều hơn) các loại kính lọc khác nhau. Tuy nhiên, do đã bị lọc quá nhiều thành phần nên màu sắc trên ảnh narrowband không phải là màu sắc thực của các thiên thể mà mắt người có thể cảm nhận được. Nên đôi những ảnh kiểu này còn được gọi là ảnh màu giả – false color image.

Một số loại kính lọc mới ra mắt hiện nay như Duo-narrowbandTriad-narrowband hay L-eNhance cho phép nhiều hơn một vùng bước sóng đi qua, nhưng độ rộng mỗi vùng mà nó cho qua vẫn không quá 22nm nên vẫn được xếp chung vào loại kính lọc dải hẹp. Loại kính lọc này sẽ cho màu sắc đầy đủ nhưng cũng ko phản ánh màu sắc thực tế của thiên thể.

4645311_m16_eagle_nebula_hso_rgb

Ảnh tinh vân Đại Bàng chụp trong phổ khả kiến bằng máy ảnh Canon 350D (trên) và trong phổ narrowband bằng máy thu chuyên dụng (dưới). Màu sắc trong ảnh narrowband là màu giả với độ tương phản cao hơn, các ngôi sao cũng nhỏ hơn.

Hình ảnh các ngôi sao khi qua kính lọc dải hẹp thường nhỏ và tối hơn. Kính lọc dải hẹp không được khuyến nghị sử dụng để chụp Ngân Hà hay các thiên hà khác (trừ một số tình huống đặc biệt cần kết hợp dữ liệu).

Kính lọc chống ô nhiễm ánh sáng tuy có nhiều ưu điểm thú vị nhưng buộc chúng ta cũng đánh đổi rất nhiều thứ, và đa phần đều tác động trực tiếp vào màu sắc và chất lượng ảnh thu được. Một giải pháp khác thường được nhiều người lựa chọn, đó là di chuyển tới những nơi có ít ô nhiễm ánh sáng để chụp hình. Thể loại này được dân nghiệp dư gọi chung là travel (hoặc mobile) astrophotography.

Việc lựa chọn thiết bị cho travel cũng rất khác so với việc tìm mua thiết bị để lắp đặt trong một đài thiên văn cố định. Thông thường, travel sẽ ưu tiên những thiết bị nhỏ gọn, dễ triển khai, yêu cầu sai số không quá khắt khe. Do đó những ống kính tele tiêu cự vừa phải hoặc kính thiên văn trường rộng sẽ hữu dụng hơn so với các dàn kính khổng lồ, đắt đỏ. Một số trụ bám nhật động gọn nhẹ với thiết kế center-balanced của hãng iOptron cũng rất thích hợp cho travel, tất nhiên nếu bạn đủ cam đảm để thỏa hiệp với vài “lỗi kinh điển” tới từ thương hiệu Trung Quốc này! DSLR đã mod kính lọc hồng ngoại hoặc camera làm lạnh loại color (OSC) cũng tiện hơn so với camera monochrome khi chơi ảnh thiên văn travel. Sau đây là một vài thông số thiết bị gợi ý cho người mới chơi ảnh thiên văn travel theo kinh nghiệm của tôi:

travel_astro_device_ad

3. Kinh phí dành cho nhiếp ảnh thiên văn

Giống như ô nhiễm ánh sáng, tiền bạc luôn là… kẻ thù của nhiếp ảnh thiên văn! Thực tế cho thấy, một khi đã dấn thân vào bất kỳ thú chơi sang chảnh nào đó thì chúng ta cũng phải xác định trước về số vốn có thể đầu tư. Một dàn máy ảnh dân dụng cỡ 200tr đã có thể giúp chúng ta dễ dàng đạt tới trình độ “máy ảnh gia”, xoá phông tẹt ga mà không bị tự ti về vấn đề thiết bị. Nhưng với nhiếp ảnh thiên văn, hầu như không có giới hạn nào cả và 100-200tr chỉ là con số tương đối “kinh tế” để đầu tư nghiêm túc cho thú chơi này.

Đối với những người với bắt đầu, việc đầu tư một dàn kính trụ rất khủng với số tiền lớn gần như là điều không tưởng. Chúng ta cần xác định những thành phần chính “đốt tiền” nhất trong một hệ thống bao gồm:

– Trụ bám nhật động: thành phần quan trọng nhất, ảnh hưởng đến mọi thứ cắm trên nó.
– Kính thiên văn: cũng quan trọng, ảnh hưởng phần lớn tới chất lượng ảnh thu được.
– Camera thu hình (và kính lọc, nếu cần): trái tim của hệ thống, nhưng đầu tư có thể ko cần tới mức luxury.
– Máy tính (hoặc thiết bị kiểm soát đài) và các phụ kiện hỗ trợ khác.
– Đài thiên văn: chứa toàn bộ các thiết bị khác.

Đài thiên văn tự động hay dome chuyên dụng thường có giá tương đối cao (loanh quanh khoảng 10-15 ngàn $ hoặc cao hơn). Với điều kiện của đa số anh em ở Việt Nam thì đài tự chế với nóc trượt dạng Roll-Off Roof sẽ có kinh phí thấp hơn và dễ vận hành hơn tương đối nhiều. Nếu chơi theo kiểu travel astrophotography, chúng ta sẽ không tốn tiền đầu tư cho hạng mục này.

sky-watcher-star-adventurer-pro-review

Skywatcher Star Adventurer Pro là một trong những tracker được sử dụng phổ biến để tải những hệ thống khối lượng nhỏ và trường rộng. Ảnh: AstroBackyard

Đối với người mới chơi với kinh phí thấp thì nên bước đầu nên làm quen với những thiết bị bám nhật động đơn giản như tracker. Tracker có chức năng rất đơn giản nhưng vẫn hỗ trợ tốt việc bám nhật động theo thông tin cài đặt sẵn, giúp ghi hình các đối tượng trên bầu trời với thời gian phơi sáng vừa đủ dài mà không bị kéo vệt. Các loại tracker như iOptron SkyGuider, iOptron SkyTracker, Skywatcher Star Adventurer, Vixen Polarie… thường có giá loanh quanh khoảng 500$, tuỳ theo phụ kiện mà bạn muốn mua kèm mà giá có thể tăng lên đôi chút. Lưu ý răng, mọi loại tracker đều nên trang bị thêm kính tìm sao Bắc Cực (polar scope) để tăng độ chính xác khi căn chỉnh trục cực. Fornax Mounts LighTrack cũng là một loại tracker tốt nếu không tính tới mức giá quá điên rồ của nó!

Khi sử dụng với tracker, chúng ta nên tận dụng các loại lens tele và máy ảnh có sẵn để tiết kiệm chi phí và tận dụng ưu thế khẩu độ lớn. Tiêu cự khuyên dùng với tracker là 200mm đổ xuống (thực tế cho thấy, tiêu cự 135mm sẽ ổn định hơn), chất lượng quang học nên ở mức khá trở lên, đặc biệt lens phải có khả năng chống sắc sai và chống coma biên tốt. Một số ứng cử viên hàng đầu có thể kể tới như Canon 135mm F2L, Samyang/Rokinon 135mm F2, Nikon 180mm F2.8… Hãy lưu ý tới tải chung của toàn hệ thống. Tracker thường chịu tải được tối đa vỏn vẹn khoảng 5kg, tuy nhiên 2/3 tải này hoặc thấp hơn là ngưỡng an toàn để tracker có thể vận hành lâu dài và tin cậy.

81706293_3231839616843003_6021221734387023872_o

iOptron CEM25p là chiếc trụ bám nhật động phổ biến dành cho travel, do khối lượng và kích thước khá nhỏ trong khi tải vẫn tương đối cao. Giá của chiếc trụ này chỉ loanh quanh 900$ (chưa thuế và ship).

Khi kinh phí nhiều hơn một chút, chúng ta nên tính tới những loại chân đế xích đạo chuyên dụng. So với tracker, chân đế xích đạo tự động (Computerized EQ mount) thường có tải lớn và độ chính xác cao hơn hẳn, phần lớn sẽ có tay cầm điều khiển hỗ trợ nhiều tính năng như tự tìm mục tiêu (goto), sửa lỗi tracking trên cả hai trục (guide)… Đặc biệt, đa số trụ sẽ hỗ trợ khả năng điều khiển từ PC, điều này gần như mở ra một cuộc cách mạng cho việc tận hưởng nhiếp ảnh thiên văn. Bù lại, các loại chân đế xích đạo thường khá nặng và cồng kềnh, ngoài ra mức giá cao cũng tạo ra rào cản đáng kể. Một số loại trụ entry của các hãng Trung Quốc như Skywatcher, iOptron, Celestron… sẽ có giá hợp lý hơn so với đa số trụ sản xuất tại Úc, Mỹ hoặc Nhật Bản. Tất nhiên về độ chính xác và tính bền bỉ khi sử dụng lâu dài thì đồ Trung Quốc thường tỏ ra yếu thế hơn hẳn so với các sản phẩm tới từ châu Âu, nhưng có lẽ cũng đủ để đáp ứng nhu cầu của người mới tập chơi.

Điều này cũng tương tự với kính thiên văn. Các thiết bị tới từ Takahashi Nhật Bản, Astro-Physics Mỹ và ASA Úc… luôn nằm trong top đầu về chất lượng quang học và độ đồng đều sau khi xuất xưởng. Các loại kính Trung Quốc gia công thường có tỉ lệ “hên xui” cao hơn nhiều, đôi khi còn xuất hiện lỗi quang học trên cả các dòng kính cao cấp gây khó chịu cho người dùng.

dslr_qhy_camera

Camera thông thường hay camera làm lạnh chuyên dụng cho ảnh thiên văn?

Đối với camera thu hình, chúng ta thường có hai lựa chọn chính. Một là tận dụng các máy mirroless và DSLR (đôi khi người chơi có thể bóc lớp kính lọc IR trên bề mặt sensor để tăng khả năng thu tín hiệu H-alpha). Hai là sử dụng camera làm lạnh chuyên dụng. Do sensor được làm lạnh rất sâu nên tín hiệu tới từ những loại camera này thường “sạch hơn”, ít thermal noise hơn hẳn so với máy ảnh thông thường.

Trong đa số trường hợp, chi phí dành cho camera làm lạnh chuyên dụng sẽ cao hơn và quá trình sử dụng cũng phức tạp hơn, đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm về xử lý ảnh thiên văn. Đặc biệt, các loại cooler camera đơn sắc (monochrome) cần phải kết hợp với một số kính lọc để tạo ra ảnh có màu sắc đầy đủ. Giá thành của các loại kính lọc này thường rất cao nếu chất lượng quang học đủ tốt. Theo quan điểm của tôi, vì kính lọc là thứ tác động trực tiếp tới ảnh thu được từ camera đơn sắc nên người mới chơi nên dành dụm để mua những sản phẩm tới từ các nhà sản xuất top đầu như Astrodon, Chroma, Custom Scientific và thẳng thừng bỏ qua toàn bộ kính lọc rẻ tiền tới từ các hãng như Optolong, Astronomik… Tuy số tiền đầu tư cho cooler camera đơn sắc thường đội lên nhiều và quá trình phơi sáng tốn nhiều thời gian, nhưng chất lượng ảnh từ các hệ thống này luôn tốt hơn áp đảo so với loại camera color và cũng uyển chuyển hơn trong việc thu ảnh do khả năng kết hợp gần như không giới hạn với các loại kính lọc.

Thông thường, khi có một số tiền kha khá để đầu tư cho nhiếp ảnh thiên văn, tôi thường khuyên người chơi nên chia số tiền này thành ba phần đều nhau để đẩu tư cho ba hạng mục chính: trụ EQ – kính thiên văn – camera và phụ kiện (wheel, kính lọc…). Việc đầu tư đồng đều như vậy sẽ đảm bảo khai thác tốt hệ thống của bạn, không có thiết bị nào quá tệ so với các thiết bị khác. Số tiền nhỏ còn lại nên dành để mua máy tính và các phụ kiện cần thiết. Lưu ý rằng, một số phần mềm xử lý ảnh thiên văn như PixInsight yêu cầu máy có CPU rất mạnh để làm việc.

4. Cách chúng ta theo đuổi đam mê

Cộng đồng đam mê thiên văn ở Việt Nam rất đông đảo, tuy nhiên số người chơi nhiếp ảnh thiên văn nghiêm túc lại không nhiều. Để giải thích cho nghịch lý này, có một số quan điểm cho rằng, giá thành thiết bị phục vụ nhiếp ảnh thiên văn vẫn còn cao so với thu nhập chung của người Việt. Tôi thì nghĩ rằng, đây chỉ là một phần của vấn đề.

IMG_0937

Phát triển nhiếp ảnh thiên văn ở Việt Nam là bài toán khó nhưng có tiềm năng.

Thực tế, thiên văn học có thể chỉ là sở thích khá giản đơn giản đối với nhiều người. Tuy nhiên, để hướng tới nhiếp ảnh thiên văn, chúng ta cần nhiều hơn đam mê. Nhiếp ảnh thiên văn là hội tụ của rất nhiều yêu cầu, đó không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn cần thời gian, hiểu biết và sự kiên trì. Bản chất rất kén địa điểm chụp cũng khiến cho nhiếp ảnh thiên văn gần như không thể tiếp cận được với anh em hiện đang sống trong các thành phố lớn. Còn thể loại travel hay mobile astrophotography hiện tại vẫn chưa thể phổ biến do thiếu thốn phương tiện vận chuyển, rất tốn thời gian đi lại và phức tạp trong các vấn đề an ninh, pháp luật… Đến với nhiếp ảnh thiên văn, tôi nghĩ rằng, thật sự rất nhiều người trong chúng ta có niềm đam mê và có cả điều kiện kinh tế, nhưng hiểu biết hạn chế về thiên văn và nhiếp ảnh cùng “nỗi sợ hãi” khi phải dành thời gian cho một thú chơi nào đó gây xáo trộn cuộc sống thường nhật sẽ làm họ chùn bước. Tôi đã từng gặp một số anh em đã đầu tư thời gian và số tiền không hề nhỏ để mua dàn thiết bị rất tốt nhưng lại bỏ dở cuộc chơi giữa chừng vì nhiều lý do. Tôi nghĩ để ra được quyết định khó khăn như vậy, hơn ai hết, anh em chính là người buồn và thất vọng nhất. Nhưng tôi tin rằng, mọi quyết định đều là tạm thời, còn đam mê và tình yêu bầu trời của chúng ta là mãi mãi.

Nhiếp ảnh thiên văn nghiệp dư tại Việt Nam còn một chặng đường dài nữa để đi, nhưng tiềm lực và tinh thần cầu thị của người chơi là có thật và chắc chắn sẽ là công cụ đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng, trợ giúp đắc lực cho giới khoa học chuyên nghiệp trong tương lai!

Tác giả: Trần Hạ